Quyết định hợp thời điểm
Theo bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN - thị trường ngoại hối đã cơ bản ổn định trong suốt 7 tháng qua. Tuy nhiên, việc NDT được điều chỉnh giảm 1,9% trong ngày 11/8/2015 - mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, là một cú sốc mới từ bên ngoài, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Trung Quốc (TQ) và các nước châu Á lại là nhóm đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, hơn nữa ta lại đang có nhập siêu lớn từ TQ thì việc giảm giá đồng tiền của các nước này sẽ có tác động bất lợi tới tỷ giá và xuất nhập khẩu của chúng ta.
Phản ứng của NHNN được cho là hợp thời điểm.
“NHNN quyết định nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá, cho hoạt động xuất nhập khẩu trước các tác động bất lợi trên thị trường”, Bà Hồng nhấn mạnh.
Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định, động thái của NHNN là phản ứng nhanh và tương đối phù hợp về mặt thời điểm khi TQ đã và đang điều chỉnh tỷ giá hạ giá đồng NDT rất mạnh.
“Nếu như chúng ta không có động thái liên quan đến tỷ giá thì khả năng cạnh tranh về xuất khẩu của VN sẽ rất là thiệt, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thương mại rất lớn giữa chúng ta và Trung Quốc”, ông Lực nói.
Trong khi đó, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ Tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, khi NDT mất giá như diễn biến hai ngày gần đây là 3,5 % buộc chúng ta cần xem lại một cách rất là kỹ lưỡng xác lập một tỷ giá như thế nào để cho tình trạng nhập siêu của chúng ta không lớn hơn nữa. Vậy nên, việc nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá hối đoái mà NHNN áp dụng sớm nay là bước đi phù hợp. Tuy rằng chúng ta vẫn giữ tỷ giá bình quân liên ngân hàng là không thay đổi, việc nới biên độ đó là cách làm linh hoạt trong bối cảnh chúng ta còn nhập siêu với TQ và đồng NDT phá giá lớn như thế.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank - cho rằng, TQ là nước có tỷ trọng thương mại lớn nhất của VN. Hiện nay thâm hụt cán cân thương mại của TQ đối với VN là rất lớn, khoảng 17 tỷ USD. Do đó, việc điều chỉnh này của NHNN có tác động tích cực đến xuất khẩu, hạn chế việc gia tăng thâm hụt cán cân thương mại với TQ cũng như cán cân thương mại chung.
Xuất khẩu hưởng lợi
Nhận định về bước đi của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây là phản ứng kịp thời trước việc Trung Quốc tuyên bố phá giá đồng Nhân dân tệ ngày 11/8.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, thời gian qua, đồng USD lên giá mạnh, trong khi nhiều đồng tiền khác lại xuống giá. Vì vậy, nếu Việt Nam cứ giữ tỷ giá cao sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa. Nhất là khi TQ - đối tác giao thương quan trọng của Việt Nam, phá giá đồng tiền liên tiếp ở mức trên 3%, thì chúng ta cũng cần điều chỉnh lại tỷ giá cho hợp lý.
Tuy nhiên, NHNN đã cam kết giữ ổn định tỷ giá VND so với USD năm 2015 ở mức tăng không quá 2%, và trên thực tế, từ đầu năm tới nay cơ quan này đã 2 lần điều chỉnh tăng khoảng 2% rồi. Vì vậy, NHNN không thể tiếp tục điều chỉnh và phải đi theo hướng khác, đó là nới biên độ tỷ giá.
Xuất khẩu sẽ được hỗ trợ khi tỷ giá linh hoạt hơn.
Theo ông Kim, việc nới biên độ tỷ giá sẽ giúp cho thị trường ngoại tệ có sự linh hoạt hơn trong các giao dịch. Điều này được cho là bước đi thích hợp và cần thiết trong tình hình hiện nay, phù hợp với xu hướng chung. Đồng thời, giúp Việt Nam nâng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới, hạn chế nhập khẩu và duy trì tăng trưởng GDP theo kế hoạch đặt ra.
Cũng có lo ngại việc nới biên độ tỷ giá sẽ có những tác động ngược tới nền kinh tế. Phần lớn các nguyên vật liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu, vì vậy, điều chỉnh biên độ tỷ giá sẽ khiến cho chi phí nguyên vật liệu tăng lên, làm giá thành hàng hóa xuất khẩu tăng.
Hơn nữa, các khoản nợ phải trả sẽ tăng. Bộ KH-ĐT cho biết, áp lực vay nợ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu tăng tỷ giá. Cụ thể, nếu tỷ giá tăng 1% thì nợ nước ngoài thêm 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, những DN đang vay ngoại tệ là USD để đầu tư cho sản xuất kinh doanh, nay tỷ giá tăng, sẽ bị tăng thêm chi phí, có thể gây thêm khó khăn, dễ dẫn tới thua lỗ,...
Tuy nhiên, theo HSBC, các khoản nợ bên ngoài của Việt Nam hầu hết đều là vay ưu đãi và gần một nửa hưởng mức lãi suất thấp hơn 1%, có thể được gia hạn. Ngay cả khi VND yếu hơn sẽ tạo ra một gánh nặng lớn lên chi phí lãi vay thì số tiền phải thanh toán vẫn khá nhỏ. Ngược lại, VND yếu hơn còn làm nhẹ bớt một số gánh nặng nợ trong nước, vốn đang tăng cả ở cả khu vực công lẫn tư.
Việt Nam đang xuất đi đắt hơn, nhập khẩu đang rẻ hơn và để cải thiện mức độ cạnh tranh về giá nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm cầu nhập khẩu, giải pháp trong ngắn hạn là giảm giá đồng nội tệ, các chuyên gia kinh tế cho biết.
Còn về nhập khẩu, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim phân tích, thời gian qua nhiều đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh như Euro, CAD (đô la Canada), AUD (đô la Úc), Yên Nhật ở mức 10-15% và nay là Nhân dân tệ. Như vậy, chỉ nhập khẩu thanh toán bằng USD thì mới gặp khó khăn, còn nhập khẩu mà thanh toán bằng các đồng tiền mất giá kể trên rất có lợi. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá 2% và nới biên độ thêm 1% của Việt Nam chưa ảnh hưởng nhiều tới nhập khẩu.
Ngược lại, các ngành sản xuất có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày,... đang chững lại do giảm sức cạnh tranh từ giá cả, vì vậy việc nới tỷ giá là cần thiết, ông Kim nói.
Trần Thủy – Lê Hà
Theo Vietnamnet