Chính sách mới >> Tài chính 16/07/2015 08:33 AM

Dừng thu phí bảo trì đường bộ xe máy: Địa phương phải tự bù tiền để bảo trì đường

16/07/2015 08:33 AM

Liên quan đến việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy không nhận được sự đồng thuận của người dân, sau hơn 2 năm tiến hành thu phí (từ năm 2013), hôm qua (14/7) Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ dừng thu loại phí này.

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương - Ảnh: VGP/Phan Trang

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những khó khăn, bất cập trong quá trình thu phí khiến người dân không đồng thuận này.

Nơi muốn, nơi ngại

Tại cuộc họp chiều 14/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Ý kiến của các tỉnh, thành phố với việc này thế nào, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Minh: Khi thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương để thực hiện chính sách của Chính phủ nhằm triển khai thu phí xe máy và ô tô cho công tác bảo trì đường bộ thì đã có 63 Quỹ Bảo trì đường bộ của địa phương được thành lập và đã triển khai thu phí xe máy.

Trước sự bức xúc của người dân và những ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong kì họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu lấy ý kiến các địa phương về tình hình thu phí xe máy, những khó khăn  đang gặp phải và quan điểm nên dừng hay tiếp tục.

Tới thời điểm này, chúng tôi đã nhận được phản hồi của 32 địa phương, trong đó 2 địa phương đề nghị dừng thu phí xe máy là Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đà Nẵng đề nghị tiếp tục thu nhưng phải có chế tài. TP Hà Nội, tháng 4/2015, có văn bản đồng thuận tiếp tục thu, TPHCM không có ý kiến.

Khi chúng tôi tổng hợp lại ý kiến, mặc dù hầu hết các địa phương đều kiến nghị tiếp tục thu vì nguồn này sẽ góp phần bảo trì đường bộ cho địa phương vì nhu cầu bảo trì đường bộ tối thiểu so với nguồn vốn địa phương chỉ đáp ứng khoảng 30-40%. Riêng TPHCM và TP Hà Nội có nguồn thu ngân sách lớn, nguồn thu từ xe máy không đáng kể nên họ không muốn thu. Tuy nhiên, ngoài TPHCM và Hà Nội thì Đà Nẵng và Khánh Hoà cũng dự kiến sẽ dừng thu phí xe máy.

Không kể 2 thành phố lớn thì ở các tỉnh thành còn lại mặc dù cần nguồn thu nhưng họ gặp khó khăn gì trong quá trình thu phí, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Minh: Việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là, chế tài chưa đủ mạnh và chưa rõ ràng nên có hiện tượng người nộp, người không nộp nên người dân cảm thấy không công bằng. Bên cạnh đó, khi giao quyền chủ động thu cho địa phương thì mỗi địa phương lại ban hành một loại phiếu thu khác nhau, không thuận lợi cho người nộp phí, người dân không biết phải cầm những giấy tờ gì ra đường. Mô hình thu của các địa phương chưa đồng bộ, có nơi giao cho phường xã, có nơi giao cho thôn xóm, càng xuống thấp bản thân những người đi thu phí cũng không nắm được chính sách của Nhà nước để phổ biến cho người dân nên người dân không nộp tiền.

Bên cạnh đó, mức thu hiện nay ngày càng sụt giảm so với yêu cầu. Cụ thể, khi thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ đồng/năm với xe máy nhưng năm 2013 chỉ thu được 520 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 20%), năm 2014, thu khoảng hơn 500 tỷ đồng, đến tháng 6/2015 mới thu được khoảng 180 tỷ đồng (khoảng 7%).

Vừa rồi, các đoàn ĐĐại biểu Quốc hội và người dân, báo chí đa phần không ủng hộ duy trì việc thu phí nên Hội đồng Quỹ đã họp và Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2015 về việc dừng thu phí đường bộ đối với xe máy.

Địa phương phải tự bỏ ngân sách

Nếu dừng thu phí thì những nơi đã thu rồi có thực hiện hoàn trả lại cho người dân để đảm bảo công bằng?

Ông Lê Hoàng Minh: Phí xe máy không thu về Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương mà các địa phương tự thu và tự chi. Thực tế hiện nay, mặc dù địa phương chủ động thu chi để bảo trì đường bộ nhưng các địa phương đều kêu rất khó khăn. Đặc biệt, TPHCM và TP Hà Nội nói bỏ thu phí xe máy nhưng vẫn có văn bản đề nghị Quỹ hỗ trợ tiền để bảo trì đường.

Hiện tại, chưa có quyết định là có dừng thu phí xe máy hay không vì còn chờ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp dừng thu thì việc này sẽ thuộc trách nhiệm của địa phương, sau đó Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cũng như Bộ GTVT sẽ có ý kiến để người nộp phí và cơ quan Nhà nước có sự đồng thuận, đảm bảo sự công bằng cho người dân.

Không đóng phí bảo trì xe máy có đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải chấp nhận đi trên đường xấu không, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Minh: Một năm Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phải bảo trì 18.000km đường quốc lộ với kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nếu không tính đến phí xe máy, mỗi năm chỉ có khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó 3.000 tỷ đồng từ thu phí ô tô, 3.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước như vậy mới đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu.

Địa phương cũng vậy, mỗi năm có khoảng 300.000km đường từ cấp tỉnh trở xuống cần bảo trì, nhu cầu lớn nhưng kinh phí cũng chỉ đáp ứng khoảng 30-40%/năm nên việc dừng thu phí xe máy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo trì. Địa phương nào dự kiến dừng thu thì phải chịu trách nhiệm về con đường địa phương đó quản lý, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, ngân sách tỉnh phải tự bỏ ra để sửa chữa.

Theo ông, các địa phương có sử dụng nguồn kinh phí này hiệu quả?

Ông Lê Hoàng Minh: Tôi đánh giá rằng các địa phương đang sử dụng nguồn kinh phí này rất hiệu quả. Nói đơn giản, một con đường chỉ cần bỏ ra vài tỷ hoặc vài trăm triệu đồng là đã làm đường êm thuận rồi. Địa phương thu 5-10 tỷ đồng/năm thì họ sẽ sửa chữa được rất nhiều tuyến đường.

Nguồn tiền thu được quản lý rất chặt chẽ, được gửi ở kho bạc và chi theo quy định, nếu chi không đúng kho bạc sẽ dừng lại ngay nên dù thu được một đồng cũng phải chi có hiệu quả.

Chính sách chưa được đồng thuận thì phải điều chỉnh

Là cơ quan quản lý, ông có nhận thấy hiện nay người dân đang phải chịu quá nhiều loại thuế, phí hay không?

Ông Lê Hoàng Minh: Chúng tôi ủng hộ việc càng giảm phí cho người dân càng tốt. Tuy nhiên, đất nước ta còn nghèo nên thu thuế, phí của người dân để đóng góp cùng ngân sách cũng là sự tính toán kĩ của các cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm của người trong ngành giao thông, chúng tôi thấy rằng còn rất nhiều con đường cần tiếp tục được sửa chữa. Trước kia khi chưa có Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, chúng tôi vẫn gửi sang Bộ Tài chính nhu cầu khoảng 15.000-18.000tỷ đồng/năm cho việc bảo trì đường bộ nhưng Bộ Tài chính cũng chỉ đáp ứng khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng/năm.

Làm nghề giao thông mà thấy đường hỏng có ai sung sướng đâu nhưng không có tiền để làm. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi thu bằng được tiền của người dân. Đối với việc thu phí xe máy để bảo trì đường bộ, nếu tiếp tục làm sẽ phải thay đổi nhiều thứ vì chính sách phải thay đổi theo thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chính sách đó chưa đi vào cuộc sống, chưa được sự đồng thuận của người dân thì chúng ta cần nghiên cứu điều chỉnh, thậm chí là dừng lại.

Phan Trang (thực hiện)

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,147

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079