Như Báo Hải quan đã đưa tin, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; phí thử nghiệm khí thải, lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống.
Theo dự thảo này, tổ chức, cá nhân có yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống thì phải nộp phí; khi đăng ký cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng thì phải nộp lệ phí cho Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây là 2 khoản phí, lệ phí mới phát sinh và khiến dư luận băn khoăn về sự ảnh hưởng của các khoản thu này đối với giá xe cũng như các thủ tục.
Giải thích vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, không mang tính bắt buộc. Đồng thời, khoản phí này không thu đối với phương tiện đang sử dụng của người sử dụng; không thu đối với người mua phương tiện; không thu đối với từng phương tiện khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (nếu không có yêu cầu).
Về mức thu, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu đang được Bộ Tài chính dự kiến là 16 triệu đồng/phép thử/lần đối với xe sử dụng nhiên liệu xăng và 16,5 triệu đồng/phép thử/lần đối với xe sử dụng nhiên liệu diesel.
Trường hợp phương tiện vừa đăng ký thử nghiệm khí thải vừa đăng ký thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu thì chỉ phải nộp một lần phí thử nghiệm khí thải; không phải nộp phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Phí thử nghiệm khí thải được thu theo mẫu phương tiện (kiểu, loại phương tiện. Ví dụ: Loại xe camry, loại xe santafe, loại xe lexus 570,...) phục vụ nhu cầu quảng cáo sản phẩm hoặc để nghiên cứu hoàn thiện kiểu, loại sản phẩm.
Một mẫu thử nghiệm khí thải được áp dụng để dán nhãn cho cùng kiểu, loại phương tiện được sản xuất hoặc nhập khẩu không giới hạn số lượng.
Hơn thế nữa, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng, phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu không phải là khoản thu mới.
Hiện phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đang thực hiện theo quy định tại Thông tư số 195/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Kết quả thử nghiệm khí thải đồng thời đã cho kết quả về mức tiêu thụ nhiên liệu phương tiện.
Việc tách bạch riêng khoản phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu là do thực tế có trường hợp chỉ yêu cầu thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu (không yêu cầu thử nghiệm khí thải). Do vậy, Bộ Tài chính dự kiến đưa thêm mức phí này nhằm giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân.
Thêm lệ phí từ đề nghị của bộ, ngành
Về khoản lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô từ 7 chỗ trở xuống với mức thu là 100.000 đồng/giấy, Bộ Tài chính cho biết, mức lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng 100.000 đồng/giấy được thu theo mẫu (kiểu, loại) phương tiện; không thu đối với từng phương tiện khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu,...; không thu đối với người mua phương tiện; không thu đối với phương tiện đang sử dụng của người sử dụng.
Đặc biệt, khoản lệ phí này được xây dựng theo quy định tại Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Trao đổi với Báo Hải quan, đại diện của Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết thêm, tuy Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21 đã được ban hành từ năm 2011, song mới đây Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương mới hoàn thiện xong quy trình về dán nhãn năng lượng cho xe (Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT của liên Bộ Giao thông Vận tải và Công Thương quy định về dán nhãn năng lượng đối với phương tiện xe cơ giới - PV).
Theo quan điểm thu lệ phí, "ta phải cung cấp dịch vụ thì mới được thu phí" - vị này nói, do vậy, sau khi hoàn thiện quy trình nói trên, Bộ Giao thông vận tải mới có đủ điều kiện và gửi đề nghị thu phí sang Bộ Tài chính. Bộ Tài chính lúc này có trách nhiệm ban hành Thông tư quy định mức thu phí cụ thể dựa trên đề nghị của các bộ, ngành.
H.Vân