Ngân sách vẫn là điều bí ẩn với đại đa số |
So sánh với các nước trong khu vực, mức độ minh bạch ngân sách của Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Campuchia, Myanmar nhưng thấp hơn nhiều nước Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trong đó đặc biệt Philippines đạt mức minh bạch tốt đáng kể (65 điểm).
Tuy nhiên, điểm xếp hạng ba trụ cột của xếp hạng công khai ngân sách của Việt Nam có những thay đổi đáng ghi nhận. Sự tham gia của công chúng đối với các vấn đề ngân sách đạt 42/100 điểm thứ hạng và ở mức độ hạn chế. Tuy nhiên, ở trụ cột này, Việt Nam xếp cao hơn mức trung bình 25 điểm của toàn cầu và tốt hơn phần lớn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Về trụ cột giám sát về ngân sách của cơ quan lập pháp và kiểm toán, Việt Nam được đánh giá là đầy đủ với điểm 61/100 điểm xếp hạng đối với cơ quan lập pháp và 75/100 điểm thứ hạng đối với cơ quan kiểm toán. Các câu hỏi khảo sát của Việt Nam cho thấy việc giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ nhưng trong quá trình thực thi ngân sách là hạn chế.
Cơ quan lập pháp có Uỷ ban Tài chính và Ngân sách nhưng chưa có bộ phận nghiên cứu và phân tích ngân sách riêng như thông lệ quốc tế tốt. Cơ quan lập pháp cũng không ra quyết định trong việc sử dụng quỹ dự phòng không nằm trong Ngân sách được Quốc hội thông qua.
Trong tám tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, trong kỳ OBI2015, Việt Nam đã công bố thêm Tài liệu Ngân sách dành cho công dân, và tăng tính phức hợp của báo cáo ngân sách trong kỳ (báo cáo quý). Tuy nhiên, Dự thảo dự toán ngân sách vẫn chưa được công bố.
Hơn nữa, báo cáo giữa kỳ (6 tháng) vẫn chưa được coi là Báo cáo giữa kỳ theo thông lệ quốc tế vì chưa có các thông tin định lượng về dự báo kinh tế vĩ mô và dự báo tài chính cho giai đoạn tiếp theo của kỳ ngân sách. Báo cáo kiểm toán nhà nước công bố chậm hơn quy định của thông lệ quốc tế (không muộn hơn 18 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính).
Tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới trong việc phân tích, theo dõi và vận động thay đổi quy trình ngân sách của Chính phủ, các thể chế và hiệu quả ngân sách. Tại Việt Nam, IBP phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) để thực hiện những phân tích, khảo sát cho OBI2012 và OBI2015. Dự kiến báo cáo Khảo sát Công khai ngân sách 2015 của Việt Nam sẽ được công bố tại Hà Nội vào cuối tháng 10 năm 2015 cùng với sự tham gia của đại diện IBP cũng như các tổ chức, cơ quan ngân sách liên quan tại Việt Nam.
Khảo sát ngân sách mở 2015 của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) là cuộc khảo sát độc lập quốc tế duy nhất về Chỉ số Công Khai Ngân Sách (OBI), so sánh giữa các nước về ba trụ cột: mức độ minh bạch và công khai ngân sách, sự tham gia của công dân, và các thể chế giám sát trong quy trình ngân sách.
Theo công bố ngày 9-9-2015 của IBP về kết qủa OBI2015 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, 98 trên tổng số 102 nước thực hiện khảo sát thiếu các hệ thống đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả và hiệu lực của các quỹ công.
Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn