Ông Trương Đình Tuyển: "Làm sao đưa ra chiến lược kinh doanh dài hạn khi không biết trước ngày mai như thế nào? Cho nên người ta phải tranh thủ".
Nhiều doanh nhân mang tâm lý sản xuất nhỏ, tư tưởng tiểu nông
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân vừa diễn ra hôm qua (26/4), ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đánh giá, mặc dù có những điểm mạnh như có lực lượng lao động trẻ, đang trong thời kỳ dân số vàng, ham học hỏi, tiếp thu nhanh... tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn tồn tại hàng loạt điểm yếu.
Cụ thể, ông Tuyển nêu rõ, hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân là sinh sau đẻ muộn, tiềm lực về tài chính và công nghệ yếu, chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức thị trường. "Các doanh nghiệp này phần lớn không hiểu bản chất của chiến lược tăng trưởng là chiến lược nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp, mang nặng tâm lý của người sản xuất nhỏ, tư tưởng tiểu nông, thường tự thỏa mãn, số đông thiếu khát vọng lớn", chuyên gia kinh tế này nói.
Tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển cũng đã góp ý với các doanh nghiệp rằng, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân không biết đặt khách hàng vào vị trí trung tâm, kinh doanh theo kiểu cùng thắng, trên cơ sở bảo đảm lợi ích của khách hàng mà tìm lợi ích cho mình.
Tôi là doanh nghiệp, tôi cũng "tranh thủ"
Chưa hết, ông Tuyển còn cho rằng, một bộ phận lớn doanh nghiệp tư nhân trong nước thường kinh doanh theo kiểu cơ hội, mang tính chụp giật, thiếu tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn.
Tuy vậy, theo ông, yếu kém này không phải chỉ là lỗi của doanh nghiệp mà một phần lỗi do thể chế, do sự thay đổi thường xuyên của chính sách. Vì chính sách không ổn định nên các doanh nghiệp khó có thể đưa ra được chiến lược kinh doanh dài hạn. Chính sách hôm nay thế này không biết ngày mai sẽ thay đổi ra sao.
"Làm sao đưa ra chiến lược kinh doanh dài hạn khi không biết trước ngày mai như thế nào? Cho nên người ta phải tranh thủ. Tôi ở trong trường hợp ấy, tôi cũng phải tranh thủ", ông Tuyển chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đánh giá, một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt đó chính là tình trạng phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.
"Mặc dù trên văn bản pháp luật không hề có sự phân biệt đối xử nào giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thế nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân rất khó để có được lợi thế về vốn, về đất đai...", ông Tuyển nhìn nhận. Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân đang bị đối xử ngược theo thứ tự ưu tiên: doanh nghiệp FDI - doanh nghiệp Nhà nước - doanh nghiệp tư nhân trong nước. Khu vực này đang bị khu vực FDI và doanh nghiệp Nhà nước chèn lấn trong việc tiếp cận các nguồn lực.
Song, ông cũng cho rằng, trong thời đại hiện nay, "tốc độ mạnh hơn quy mô": Một doanh nghiệp nhỏ sinh sau đẻ muộn nhưng nếu phát triển nhanh và mạnh có thể đuổi kịp được những doanh nghiệp lớn; "tư duy mạnh hơn kinh nghiệm": Cái ngày hôm qua còn đúng, hôm nay chưa chắc đã đúng. Cho nên, không phải là không có cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân.
Mặt khác, gần đây, Đảng và Nhà nước đã coi doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm minh bạch, cạnh tranh công bằng theo yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động.
Như vậy, có thể thấy rằng, những thuận lợi cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân đang dần xuất hiện ngày một rõ rệt hơn. Cụ thể, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII họp vào đầu tháng 5/2017 sắp tới sẽ tạo ra bước phát triển mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam với việc ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, kinh tế tư nhân sẽ trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, hướng đến mục tiêu tổng quát: "Kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…"
Bích Diệp
Theo Dân trí