Chính sách mới >> Tài chính 04/08/2011 18:29 PM

10 “tội đồ” của khủng hoảng tại Nhật

04/08/2011 18:29 PM

Nhật khó thoát được khủng hoảng khi không có người lao động. Tỷ lệ người chết nhiều hơn trẻ được sinh ra đã liên tiếp 4 năm. Nhân khẩu học là yếu tố lớn khiến Nhật khó khăn.

Trong nhóm nền kinh tế phát triển, tỷ lệ nợ/GDP của Nhật ở mức 225%, mức cao nhất/ S&P đã hạ xếp hạng tín dụng của Nhật và Moody đã tuyên bố có thể đưa ra quyết định tương tự.

Nhật, sau khi đương đầu với 2 thập kỷ mất mát, công bố GDP quý 2/2011 hạ 3,7% so với cùng kỳ.

Thủ tướng Nhật vừa qua đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thế nhưng ông đã cam kết sẽ sớm từ chức một khi cuộc khủng hoảng hiện tại qua đi. Nếu như vậy, Nhật sẽ chuẩn bị phải chọn ra người lãnh đạo mới.

Có thể kể ra nhóm đối tượng đứng đằng sau cuộc khủng hoảng tại Nhật hiện nay?

Chính trị gia

Giới chính trị gia Nhật bị buộc tội bởi đã khiến vấn đề kinh tế của nước này ngày một trầm trọng hơn. Lãnh đạo các đảng đã lãnh đạo hệ thống vốn chi tiêu quá hoang phí. Liên tiếp chính phủ này đến chính phủ khác tiêu hàng nghìn tỷ yên vào đường sá, cầu cảng và các tòa nhà.

Chưa có dấu hiệu cho thấy các hành vi chi tiêu này sẽ chấm dứt. Nghị viện Nhật chấp thuận gói kích thích 61 tỷ USD vào tháng 11/2010 và chi phí tiêu tốn khắc phục hậu quả động đất, sóng thần có thể lên tới 310 tỷ USD.

Giới chính trị gia cũng bị đổ lỗi không đưa ra quyết định cứng rắn trong việc cải cách hệ thống thuế và an sinh xã hội. Nhật cũng thường xuyên đổi Thủ tướng, chỉ trong 6 năm, Nhật đã thay Thủ tướng đến 5 lần.

Người tiêu dùng

Người tiêu dùng Nhật cho đến nay chưa bao giờ khôi phục được khả năng tài chính sau thời kỳ bong bóng tài sản nước này vỡ cách đây 2 thập kỷ.

Người nội trợ Nhật tiết kiệm từng đồng, thậm chí giấu cả lương của chồng. Tiêu dùng giảm sút nghiêm trọng. Từ đầu thập niên 1990 đến nay, tiêu dùng đã giảm tới 50%. Chính phủ vì vậy khó tăng được doanh thu thuế.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy người tiêu dùng Nhật sẽ thoải mái chi tiêu hơn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2011 tăng lần đầu tiên trong 28 tháng nhưng doanh số bán lẻ thấp hơn 5% so với cùng kỳ. Sau động đất, sóng thần, người Nhật quá sợ hãi với những gì đã xảy ra nên họ còn giảm tiêu dùng hơn nữa. Giá cả các loại mặt hàng sẽ giảm không ngừng, các hộ gia đình sẽ trì hoãn mua hàng thêm nữa.

Nhân khẩu học

“Quả bom hẹn giờ” nhân khẩu học của Nhật đang chờ ngày phát nổ. Năm 2010, dân số Nhật giảm mạnh nhất từ năm 1899. Liên tiếp 4 năm, số người chết nhiều hơn số người được sinh ra.

Khoảng 25% dân số Nhật trên 65 tuổi và con số này dự kiến lên mức 40% vào năm 2050. Hệ thống an sinh xã hội sẽ chịu rất nhiều áp lực. Việc cho phép nhập cư sẽ giải quyết được vấn đề này, tuy nhiên luật pháp của Nhật hạn chế người lao động nước ngoài.

Nhà đầu cơ trên thị trường tiền tệ

Cuộc chiến của chính phủ Nhật với nhà đầu cơ trên thị trường tiền tệ gần giống như cuộc chơi cờ vua mà chính phủ Nhật toàn thua.

Kinh tế Nhật chịu tác động nặng nề bởi đồng yên mạnh. Vào năm 2002, đồng yên giao dịch với đồng USD ở mức 133 yên/USD và hiện nay ở mức khoảng 80 yên/USD. Hoạt động kinh doanh của các công ty xuất khẩu Nhật chịu tác động nghiêm trọng.

Đầu năm 2011, Nhật can thiệp vào thị trường ngoại tệ để hạ giá đồng yên, cuối cùng sau động đất, sóng thần ngày 11/03/2011, đồng yên lại lên mức 76,25 yên/USD.

G7 buộc phải hợp sức can thiệp. Chính phủ Nhật cho biết các bên đầu cơ đã kỳ vọng vào việc người Nhật ở nước ngoài sẽ gửi tiền về tái thiết đất nước sau động đất.

Đồng nhân dân tệ bị định giá thấp

Các công ty Nhật đã chuyển sản xuất ra nước ngoài để tránh tác động từ đồng yên mạnh. Hãng xe Nissan của Nhật sản xuất khoảng 25% xe tại Nhật trong khi đó tỷ lệ này tại Honda là 26%.


Người Nhật đã xây dựng nhiều nhà máy ở Trung Quốc bởi đồng nhân dân tệ và chi phí lao động thấp. Từ năm 1997, Nhật liên tục chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Nhật ngày một giảm.

Trong khi đó Trung Quốc tuyên bố Nhật thực ra có thặng dư thương mại với Trung Quốc.

<!--[if gte mso 9]><![endif]--><!--[if !mso]> <![endif]--><!--[if gte mso 10]> <![endif]-->

Ngân hàng Trung ương Nhật

Bao lâu nay, Ngân hàng Trung ương Nhật không ngừng bị chỉ trích về việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời kỳ bong bóng năm 1985 và lại không đưa ra chính sách phù hợp khi bong bóng vỡ.

Không chỉ mắc sai lầm này, Ngân hàng Trung ương Nhật còn bị chê bai rất nhiều khi nâng lãi suất quá sớm vào năm 2000 trước khi kinh tế Nhật thực sự phục hồi.


Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật đã bác bỏ mọi lời chỉ trích, đổ lỗi cho yếu tố nhân khẩu của Nhật.

Ngân hàng Trung ương Nhật còn mua quá nhiều tài sản, tuy nhiên, nhiều người khẳng định mọi chuyện đã quá muộn bởi Ngân hàng Trung ương đương đầu với “bẫy thanh khoản” – mọi chính sách nới lỏng tiền tệ được đưa ra nhưng như cầu tiền không tăng.

Hệ thống ngân hàng Nhật

Các chuyên gia kinh tế Nhật khẳng định phần lớn vấn đề của Nhật trong thập niên 1990 bắt nguồn từ hệ thống ngân hàng hoạt động yếu kém, không tính toán được mức thua lỗ và tiếp tục cho các công ty hoạt động yếu kém vay. Các ngân hàng cho vay lớn đã phân bổ nguồn vốn vay không hợp lý và bóp méo cạnh tranh.

Hiện nay, các ngân hàng Nhật trữ khoảng 30% tài sản của họ vào trái phiếu chính phủ Nhật. Tuy nhiên, ông Brian Waterhouse, chuyên gia cao cấp tại CLSA, người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Nhật khẳng định các ngân hàng cho vay sẽ đương đầu với rủi ro lớn nếu lãi suất tăng và danh mục trái phiếu chính phủ của họ mất giá trị.

Thảm họa thiên nhiên

Thảm họa động đất, sóng thần Nhật ngày 11/03/2011 được coi như thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại tài chính lớn nhất trong lịch sử. Thiệt hại trực tiếp từ thảm họa ước khoảng 310 tỷ USD.

Đang trong quá trình phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế Nhật lập tức chịu tác động nặng nề. Ảnh hưởng của động đất không chỉ đối với ngành ô tô và công nghệ Nhật mà còn gây chấn động toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Chi phí tái thiết đất nước “đè nặng” lên một chính phủ vốn đã nợ chồng chất.

Các doanh nghiệp hoạt động yếu kém

Từng nổi tiếng với sự đổi mới và hoạt động hiệu quả, các công ty Nhật cho đến nay không ngừng bị chỉ trích vì hàng loạt tai nạn và vấn đề an toàn. Ngay cả Toyota, nổi tiếng về chất lượng, cùng phải xin lỗi khách hàng.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra các công ty Nhật với hệ thống đưa ra quyết định nhiều tầng lớp đã dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch và đổi mới.

Mới đây nhất, công ty điện Tokyo (TEPCO) bị buộc tội không xử lý tốt khủng hoảng hạt nhân và công bố thông tin rõ ràng hơn. Chủ tịch công ty đã tránh không xuất hiện trước công chúng trong tháng sau thảm họa sóng thần.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng

Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều chê bai các biện pháp ứng phó với khủng hoảng tài chính của Nhật. Họ nói đến tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật cao. Thế nhưng các tổ chức xếp hạng tín dụng đang bỏ qua thông tin quan trọng: người Nhật tiết kiệm rất nhiều. Nếu tính cả con số tiết kiệm, tỷ lệ nợ/GDP của Nhật chỉ khoảng 115%.

Còn phải kể đến Nhật có dự trữ hàng nghìn tỷ USD. Các chuyên gia phân tích khẳng định Nhật sẽ tiếp tục vay tiền từ ngân hàng nội địa và các tổ chức chính phủ. Trên thực tế, khoảng 50% trái phiếu chính phủ Nhật đang do lĩnh vực công nắm giữ và khoảng 90% tổng trái phiếu chính phủ Nhật nằm trong tay nhà đầu tư nội địa nên rủi ro khủng hoảng cũng được giảm thiểu.


Ngọc Diệp

Theo TTVN/CNBC

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,604

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079