Chính sách mới >> Tài chính 22/05/2017 14:38 PM

Tăng trưởng kinh tế khó đạt được mục tiêu 6,7%

22/05/2017 14:38 PM

Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% như mục tiêu đã đề ra, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. Nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện.

Vũ Hồng Thanh

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh Như Ý

Sáng 22/5, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2017, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây.

Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bên lề phiên khai mạc Quốc hội. Ảnh Như Ý

Do đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, theo ông Thanh, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%. "Với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%", ông Thanh cho biết.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng tăng trưởng kinh tế thấp, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, do việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới thay cho công nghiệp khai khoáng và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa.

Từ đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Phạm Minh Chính

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh Như Ý

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ  triển khai quyết liệt cơ cấu lại các ngành kinh tế, trước mặt tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp để góp phần khai thác các nguồn lực thay thế so sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng thời gian qua.

Cùng với đó, thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc biệt đối với những tổ chức tín dụng yếu kém và quản lý chặt chẽ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ, giảm tối đa tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối.

Kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa. Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ngoài ra, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi pháp luật đất đai nhằm huy động và sử dụng hiệu quả đất đai; mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với từng khu vực, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất nhằm thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất tạo điều kiện phát triển nông nghiệp quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp FDI và các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Văn Kiên

Theo Tiền phong

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,641

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079