Chính sách mới >> Tài chính 08/12/2011 08:44 AM

Vốn pháp định 3 tỷ đồng với Công ty kiểm toán là cần thiết

08/12/2011 08:44 AM

Đầu năm 2011, trong số 160 DN kiểm toán, có khoảng 28% DN có mức vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng. Cá biệt, có DN kiểm toán chỉ đăng ký mức vốn điều lệ 100 triệu đồng.

Luật Kiểm toán độc lập đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Một trong các quy định mới của Luật là công ty TNHH kiểm toán phải bảo đảm mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ mới được cung cấp dịch vụ kiểm toán. Đối với công ty hợp danh và DN tư nhân, Luật Kiểm toán độc lập không bắt buộc phải đảm bảo yêu cầu này, do thuộc loại trách nhiệm vô hạn.

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính soạn thảo, đang được xin ý kiến góp ý, hoàn thiện để ban hành vào đầu năm tới, thì vốn pháp định của công ty TNHH kiểm toán được quy định (tại Điều 5) như sau:

"1. Vốn pháp định đối với công ty TNHH là 3 tỷ đồng Việt Nam; từ ngày 1/1/2015, vốn pháp định là 5 tỷ đồng Việt Nam.

2. Trong quá trình hoạt động, công ty TNHH phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại khoản 1, Điều này. DN kiểm toán phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại khoản 1 Điều này trong thời gian 3 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính".

Sau khi bản Dự thảo Nghị định nói trên được đưa ra lấy ý kiến, xung quanh vốn pháp định công ty TNHH kiểm toán đã xuất hiện những quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng mức vốn trên là thấp và cần phải nâng lên nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường của DN kiểm toán khi xảy ra các sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ của kiểm toán viên trong DN kiểm toán.

Nhưng nhiều ý kiến, đặc biệt từ các công ty kiểm toán nhỏ lại cho rằng, quy định vốn pháp định như vậy là quá cao, không cần thiết và điều này có thể làm hạn chế tính cạnh tranh của DN kiểm toán nhỏ, DN kiểm toán trong nước; tạo lợi thế cho những DN kiểm toán lớn, DN kiểm toán nước ngoài.

Theo quan điểm này, DN kiểm toán là DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh "chất xám", do vậy, không đòi hỏi vốn đầu tư lớn (chi phí chủ yếu là thuê địa điểm, trả lương) nên không cần đến số vốn pháp định 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo một số thành viên Ban soạn thảo, sở dĩ bản Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập đưa ra mức vốn pháp định như trên bởi trước đây, do không có quy định mức vốn tối thiểu nên các DN kiểm toán thường đăng ký mức vốn điều lệ thấp.

Theo thống kê, đến đầu năm 2011, trong số 160 DN kiểm toán, có khoảng 28% DN có mức vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng, 28% DN có mức vốn điều lệ từ 2 - 3 tỷ đồng, 21% DN có vốn điều lệ từ 1 đến dưới 2 tỷ đồng và 23% có mức vốn dưới 1 tỷ đồng. Cá biệt, có DN kiểm toán chỉ đăng ký mức vốn điều lệ 100 triệu đồng.

Về mức vốn điều lệ, Bộ Tài chính cũng đã tham khảo quy định về vốn của DN kiểm toán tại một số nước châu Á. Mặc dù quy định ở các quốc gia khác nhau, nhưng trung bình, vốn pháp định của một DN kiểm toán tương ứng 3 - 4 tỷ đồng (cá biệt như Hàn Quốc, vốn pháp định của DN kiểm toán tối thiểu là 500 triệu won, tương đương 10 tỷ đồng). Xét trong bối cảnh Việt Nam, hiện vẫn chưa có quy định bắt buộc DN kiểm toán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, việc quy định về vốn lại không được phân biệt DN kiểm toán lớn hay nhỏ nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, việc đưa ra quy định về mức vốn pháp định nói trên là dựa trên nguyên tắc nâng cao trách nhiệm của DN kiểm toán nhưng đã tính đến khả năng đáp ứng yêu cầu của các công ty TNHH kiểm toán hiện nay.

Theo các chuyên gia của Vụ Chế độ Kế toán & Kiểm toán, Bộ Tài chính thì mức vốn pháp định của DN kiểm toán không cần phải quá cao. Tuy nhiên, vốn điều lệ của DN kiểm toán thấp như hiện nay, theo đánh giá của Bộ Tài chính là không thể thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi xảy ra bồi thường. Vì vậy, cần phải quy định một mức vốn pháp định phù hợp với thực tế và yêu cầu về nâng cao chất lượng và nghĩa vụ của DN kiểm toán. Việc quy định về vốn pháp định này cũng nhằm đồng bộ hóa với quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán sẽ được ban hành vào đầu năm tới đây.

Bởi vậy, quy định về vốn pháp định nói trên không chỉ được áp dụng cho DN kiểm toán thuộc loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên mà còn đối với cả công ty TNHH 1 thành viên có vốn đầu tư nước ngoài. Việc yêu cầu công ty TNHH kiểm toán phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định là đòi hỏi các DN này phải rất thận trọng khi cung cấp dịch vụ, từ đó, góp phần tăng cường chất lượng kiểm toán.

Dẫu biết rằng đối với dịch vụ kiểm toán, "chất xám" mới là yếu tố quyết định sự thành công của DN chứ không phải là yếu tố vốn. Tuy nhiên, tình trạng vốn điều lệ quá thấp như hiện nay của các DN kiểm toán sẽ không đảm bảo khả năng thực hiện trách nhiệm pháp lý khi xảy ra nghĩa vụ bồi thường của DN này. Vì thế, việc quy định nâng cao mức vốn pháp định đối với công ty TNHH kiểm toán là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo khả năng bồi thường của DN, thiết nghĩ, cần sớm có quy định các DN kiểm toán bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp như thông lệ quốc tế.

Theo Phan Hằng Phương
ĐTCK

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,284

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079