Chính sách mới >> Tài chính 04/06/2012 11:53 AM

Chưa có dự định tiếp tục miễn, giảm thuế chứng khoán

04/06/2012 11:53 AM

Bộ Tài chính đang lên phương án khắc phục bất cập của thuế chứng khoán, nhưng hiện Bộ vẫn chưa có dự định kiến nghị tiếp tục miễn, giảm thuế chứng khoán.

Bộ Tài chính đang lên phương án khắc phục bất cập tồn tại từ nhiều năm nay là đầu tư chứng khoán thua lỗ, nhưng NĐT vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). ĐTCK trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính về vấn đề này.

Bộ Tài chính dự kiến khắc phục bất cập của chính sách thuế TNCN, khiến NĐT đầu tư lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế như thế nào, thưa ông?

Qua lắng nghe ý kiến của NĐT, cũng như tổng kết thực hiện chính sách thuế TNCN đối với lĩnh vực đầu tư chứng khoán, chúng tôi nhận thấy căn nguyên của bất cập khiến NĐT bị lỗ trong hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán, nhưng vẫn phải nộp thuế bắt nguồn từ hướng dẫn NĐT phải chọn và đăng ký một trong hai phương án nộp thuế là 20% thu nhập hay 0,1% giá bán chứng khoán ngay từ đầu năm.

Trong phương án kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 100/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN, chúng tôi dự kiến quy định, tùy kết quả đầu tư mà khi quyết toán thuế vào cuối năm, NĐT chọn phương án nộp thuế sao cho có lợi nhất. Hướng điều chỉnh này đảm bảo cho NĐT không phải nộp thuế khi lỗ.

Dự thảo Luật Thuế TNCN trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm nay, nhưng mãi 1/1/2014, Luật mới có hiệu lực. Liệu NĐT có phải đợi đến năm 2014 mới không phải nộp thuế nếu đầu tư thua lỗ?

Do nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN và Nghị định 100/2008/NĐ-CP khá tách bạch, nên không nhất thiết phải đợi thời điểm Luật thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực, mới đồng thời tháo gỡ bất cập NĐT thua lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế như hiện tại. Việc khắc phục bất cập có tính kỹ thuật này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bởi vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100/2008/NĐ-CP, để trình Chính phủ xem xét ban hành ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thuế TNCN sửa đổi vào cuối năm nay. Nếu Chính phủ thông qua, thì bắt đầu từ năm 2013, sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư thua lỗ, nhưng NĐT vẫn phải nộp thuế.

Ủy ban kinh tế của Quốc hội vừa có khuyến nghị nên tập trung phát triển TTCK, nhằm giảm dần việc huy động vốn từ ngân hàng. Để hiện thực hóa khuyến nghị này, tại sao Bộ Tài chính không đề xuất giảm thuế suất trong lĩnh vực chứng khoán hay ít ra là kiến nghị tiếp việc từ năm 2013 sẽ miễn thuế cổ tức, giảm 50% thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng mà Quốc hội cho phép áp dụng đến hết năm 2012?

Thực tiễn thực hiện chính sách thuế TNCN đối với lĩnh vực chứng khoán cho thấy, việc quy định 2 phương pháp tính thuế để NĐT lựa chọn với thuế suất là 20% thu nhập hoặc 0,1% giá trị giao dịch vẫn phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vụ Chính sách thuế của Bộ đang phối hợp với UBCK rà soát tổng thể chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán. Khi có kết quả rà soát chi tiết, Bộ Tài chính sẽ ban hành hoặc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội thông qua các chính sách thuế nhằm hỗ trợ TTCK phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Để hỗ trợ NĐT chấp hành nghĩa vụ thuế thuận lợi hơn, Bộ Tài chính đang nghiên cứu ban hành một thông tư hướng dẫn về tất cả các loại thuế đối với lĩnh vực chứng khoán.

Việc ban hành hay đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thuế mới đối với lĩnh vực chứng khoán, chỉ được đưa ra sau khi quá trình rà soát tổng thể chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán kết thúc. Hiện Bộ Tài chính chưa có dự định kiến nghị tiếp tục miễn, giảm thuế đối với lĩnh vực chứng khoán.

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,318

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079