Tăng trưởng tín dụng mang dấu âm trong thời gian tương đối dài và tính chung 7 tháng tăng ở mức rất thấp, là một trong những điểm nghẽn lớn cho tăng trưởng kinh tế hiện nay. Điều này đã góp phần làm cho nợ xấu tăng, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động và phá sản. Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là lãi suất cho vay cao.
Từ rất sớm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất và từ đầu tháng 5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có giải pháp tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…); đẩy mạnh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cấu trúc ngân hàng thương mại…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhất là từ quý II/2012 đã hạ nhanh lãi suất huy động và từ vài tháng nay đã hạ nhanh lãi suất cho vay.
Ngày 7/7/2012, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đề nghị các tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất của các khoản vay cũ về mức cao nhất 15%/năm kể từ ngày 15/7. Các ngân hàng thương mại đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chi nhánh trong hệ thống công bố và thực hiện việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng tín dụng cũ xuống mức cao nhất còn 15%/năm.
Kết quả tỷ trọng dư nợ cho vay bằng VND đối với các khoản vay có mức lãi suất trên 15%/năm đã giảm nhanh qua các thời điểm trong 20 ngày qua.
TỶ TRỌNG DƯ NỢ TÍN DỤNG CÓ MỨC LÃI SUẤT TRÊN 15%/NĂM (%) |
Ghi chú: (1) Số liệu của 35 tổ chức tín dụng, chiếm 70% tổng dư nợ tín dụng; (2) Số liệu của 69 tổ chức tín dụng (gần 32 ngân hàng, 25 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 12 công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính), chiếm 90% tổng dư nợ tín dụng.
Theo đó, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm trong tổng dư nợ tín dụng đến 27/7 đã giảm một nửa và đến 2/8 đã giảm gần hai phần ba so với trước 15/7.
Tính đến ngày 2/8, cơ cấu tổng dư nợ tín dụng theo các mức lãi suất như sau:
CƠ CẤU DƯ NỢ TÍN DỤNG THEO CÁC MỨC LÃI SUẤT (%) |
Mặc dù tỷ trọng dư nợ tín dụng có mức lãi suất dưới 10%/năm và từ 10-13%/năm còn nhỏ, nhưng nếu so với mức lãi suất đầu vào (9%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng và 11-12%/năm đối với kỳ hạn từ 1 năm trở lên) thì đây là một cố gắng lớn, thể hiện sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, các ngân hàng thương mại nhà nước đã đi đầu trong việc giảm tỷ trọng dư nợ tín dụng có mức lãi suất trên 15%/năm. Điều này được xét trên 2 mặt. Một mặt, tỷ trọng dư nợ tín dụng có mức lãi suất cao trên 15%/năm ở các ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm nhanh từ 61% trước 15/7 xuống còn 6,9% kể từ 2/8. Mặt khác, tỷ trọng dư nợ tín dụng có mức lãi suất cao trên 15%/năm của các ngân hàng thương mại nhà nước đã thấp hơn nhiều tỷ trọng tương ứng của các tổ chức tín dụng khác (gồm ngân hàng thương mại cổ phần, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính).
Mặc dù việc đưa lãi suất các khoản nợ cũ về dưới 15% với thời gian thực hiện chưa đến 20 ngày không phải là chấp hành một quyết định có tính pháp lý mà chỉ là theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhưng đã hàm chứa hai nội dung đáng quan tâm. Thứ nhất, đã thể hiện các ngân hàng thương mại đồng thuận, hưởng ứng đối với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Thứ hai, đây vừa là sự chia sẻ của ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay, đồng thời cũng là cơ hội, bởi lãi suất đang còn trong xu hướng giảm.
Với mức lãi suất và tỷ trọng dư nợ tín dụng của từng loại như trên, theo tính toán sơ bộ, lãi suất bình quân chung trong hệ thống tín dụng từ ngày 2/8 còn khoảng 13,9%/năm.
Kỳ vọng tỷ trọng dư nợ tín dụng có lãi suất trên 15%/năm sẽ còn giảm mạnh xuống nữa, tỷ trọng dư nợ tín dụng có lãi suất từ 13%/năm trở xuống sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất và mức bình quân chung sẽ chỉ còn khoảng 10%/năm như năm 2009.
Đào Ngọc