Những vướng mắc khi xuất hóa đơn điện tử trong ngày (Ảnh minh họa)
Trước tiên, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là loại hóa đơn điện tử phải được cơ quan thuế cấp mã trước khi người bán xuất hóa đơn cho người mua.
Theo Luật Quản lý thuế có 03 trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế:
(1) Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
(2) Trường hợp được xác định rủi ro cao về thuế;
(3) Trường hợp đang sử dụng hóa đơn không có mã nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn có mã.
Từ quy định trên, không chỉ doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã mà phần lớn doanh nghiệp (như kinh doanh ăn uống,...) đều phải sử dụng loại hóa đơn này.
Tiếp theo là vướng mắc liên quan đến việc phải xuất hóa đơn trong ngày.
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, trước tiên phải lập hóa đơn, ký số rồi gửi hóa đơn để chờ cơ quan thuế cấp mã. Nghĩa là khi nào cơ quan thuế cấp mã rồi thì mới xuất hóa đơn cho người mua.
Ngoài ra, tại điểm d khoản 6 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC, quy định người bán khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế thì phải có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đã khởi tạo từ máy tính tiền cho cơ quan thuế ngay trong ngày thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.
Do đó, nếu doanh nghiệp thuộc trường hợp này thì phải thực hiện xuất hóa đơn trong ngày.
Theo nội dung đã đề cập ở trên, việc xuất hóa đơn có mã của cơ quan thuế phải thực hiện trong ngày, nên dẫn đến những trường hợp có những giao dịch diễn ra vào cuối ngày thì sẽ không thể lập/xuất hóa đơn kịp trong ngày.
Ngoài ra, do phải có thêm bước gửi hóa đơn và chờ cơ quan thuế cấp mã nên thời gian lập, xuất hóa đơn bị kéo dài, dẫn đến việc xuất hóa đơn bị chậm. Việc xuất hóa đơn còn có thể bị ảnh hưởng nếu hệ thống cấp mã bị lỗi, quá tải.
Gỡ vướng mắc về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế như thế nào?
Trước tiên, doanh nghiệp cần hiểu đúng quy định về đối tượng phải sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế. Không chỉ doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế phải sử dụng mà còn áp dụng với phần lớn doanh nghiệp nếu không thuộc trường hợp được sử dụng hóa đơn không có mã.
Về việc hệ thống cấp mã bị lỗi, quá tải, cơ quan thuế cần cải thiện hệ thống đường truyền, hoàn thiện phần mềm... nhằm thực hiện được thông suốt. Hiện nay, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai, mở rộng các kênh tiếp nhận và xử lý yêu cầu hỗ trợ của NNT như: Hotline, Email, Web, 479 kênh hỗ trợ NNT, Chatbot, Zalo… nên NNT có thể gửi phản ánh để được hỗ trợ.
Ngoài ra, trong giai đoạn thí điểm hóa đơn điện tử có mã hiện nay cũng như đang trong lộ trình áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện từ có mã của cơ quan thuế nhằm mục đích cơ quan thuế phát hiện kịp thời các doanh nghiệp gian lận về thuế thì nên bỏ quy định phạt xuất hoá đơn không đúng thời điểm.
Tóm lại, khi ban hành bất kỳ một chính sách nào thì phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh một cách bình thường, không nên để xảy ra vướng mắc, bất cập. Sau giai đoạn thí điểm này, cơ quan thuế cần xem xét, đánh giá, điều chỉnh quy định cho phù hợp thực tế, từ đó đảm bảo triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử trên cả nước từ ngày 01/7/2022.
Châu Thanh