Chính sách mới >> Tài chính 12/03/2023 00:32 AM

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền có mất trắng?

12/03/2023 00:32 AM

Ngân hàng SVB (Mỹ) tuyên bố phá sản, vậy nếu ở Việt Nam có một ngân hàng phá sản thì người gửi tiền có mất trắng? - Minh Hoàng (TPHCM)

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền có mất trắng?

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền có mất trắng? (Hình từ internet)

Ngân hàng phá sản khi nào?

Thông tin ngân hàng SVB của Mỹ phá sản dẫn đến nhiều lo ngại, liệu rằng nếu ở Việt Nam có một ngân hàng phá sản thì người tiền gửi sẽ mất trắng?

Tổ chức tín dụng nói chung hay ngân hàng nói riêng đều có thể phá sản theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụngLuật Phá sản.

Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà ngân hàng vẫn lâm vào tình trạng phá sản thì ngân hàng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản ngân hàng, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của ngân hàng.

Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của ngân hàng.

Trên thực tế, từ trước đến nay chưa có ngân hàng nào thực hiện thủ tục phá sản, kể cả một số ngân hàng hoạt động yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cơ cấu lại, mua lại với giá 0 đồng.

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền có mất trắng?

Nếu một ngân hàng phá sản, người gửi tiền ngân hàng có thể sẽ không lấy lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù.

Theo Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Như vậy, nếu một ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ nhận tối đa 125 triệu đồng (tiền bảo hiểm tiền gửi).

Ngoài ra, người gửi tiền còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Tuy nhiên, theo Luật Phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt theo thứ tự: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết và sau đó mới đến các khoản tiền gửi ngân hàng.

Nhận tiền bảo hiểm tiền gửi thế nào?

Theo Nghị định 68/2013/NĐ-CP, khi nhận tiền bảo hiểm, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

Trường hợp người nhận tiền bảo hiểm là người được ủy quyền, người thừa kế của người được bảo hiểm tiền gửi, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách là người được ủy quyền, người thừa kế của người được bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

Trường hợp gửi tiền tiết kiệm, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình thẻ tiết kiệm.

Trường hợp mua giấy tờ có giá do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 45,774

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079