Ngân hàng thanh toán là gì? Điều kiện để trở thành ngân hàng thanh toán
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 69 Luật Chứng khoán 2019, ngân hàng thanh toán là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Cụ thể:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.
(Khoản 1 Điều 2 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và khoản 3 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010)
Cụ thể tại khoản 2 Điều 69 Luật Chứng khoán 2019, ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lựa chọn làm ngân hàng thanh toán khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
- Có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng;
- Hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm gần nhất;
- Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật về ngân hàng;
- Có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm thực hiện thanh toán giao dịch và kết nối với hệ thống của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
- Có hệ thống thanh toán, bù trừ kết nối với hệ thống thanh toán, bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật để lưu giữ số liệu thông tin thanh toán giao dịch trong thời hạn ít nhất 10 năm và cung cấp được cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 48 giờ khi có yêu cầu.
Ngân hàng thanh toán có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 Điều 69 Luật Chứng khoán 2019, cụ thể như sau:
- Tổ chức việc thanh toán cho hoạt động giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán tách biệt với hoạt động thanh toán khác của ngân hàng và theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;
- Tuân thủ chế độ báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
- Ngân hàng thương mại được lựa chọn là ngân hàng thanh toán phải duy trì các điều kiện theo quy định tại mục 2.
Theo Điều 167 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký làm ngân hàng thanh toán đối với ngân hàng thương mại bao gồm:
- Giấy đăng ký làm ngân hàng thanh toán theo Mẫu số 51 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Giấy đăng ký làm ngân hàng thanh toán |
- Bản cung cấp thông tin về ngân hàng, trong đó nêu rõ khả năng đáp ứng các điều kiện tại Điều 69 Luật Chứng khoán 2019.
- Quyết định thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại.
- Văn bản cam kết về việc thiết lập hệ thống, cơ chế quản lý tài khoản và tiền gửi ký quỹ, tài khoản và tiền gửi thanh toán, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tiền gửi ký quỹ, tiền gửi thanh toán theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trình tự, thủ tục chấp thuận ngân hàng thương mại làm ngân hàng thanh toán được thực hiện theo quy định tại Điều 168 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được lựa chọn các ngân hàng thương mại làm ngân hàng thanh toán để cung cấp dịch vụ thanh toán tiền cho giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định chấp thuận đăng ký làm ngân hàng thanh toán; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.