Hướng dẫn xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

08/03/2023 08:30 AM

Xin hỏi khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thì việc xử lý tài sản và xử lý tài chính như thế nào? - Quế Chi (Tiền Giang)

Hướng dẫn xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

Hướng dẫn xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Theo khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010 thì viên chức là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.

2. Hướng dẫn xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập

Xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Điều 18 Thông tư 56/2022/NĐ-BTC như sau:

* Xử lý về tài sản khi tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập:

- Đơn vị sự nghiệp công thực hiện kiểm kê, phân loại đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của đơn vị; chịu trách nhiệm xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê theo quy định của pháp luật. 

Đối với tài sản không phải của đơn vị (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác), đơn vị thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan;

- Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm lập phương án xử lý, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, đề xuất phương án xử lý, gửi cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cùng cấp để có ý kiến về phương án xử lý tài sản.

Căn cứ ý kiến của cơ quan quản lý tài sản công, đơn vị hoàn thiện phương án xử lý tài sản để lập Đề án tổ chức lại (trong đó có phương án xử lý tài sản); trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

Phương án xử lý tài sản phải phù hợp với hình thức xử lý tài sản theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151/2017/NĐ-CP;

- Căn cứ Đề án tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị sự nghiệp công (pháp nhân cũ) có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công xem xét, quyết định việc xử lý tài sản, trên cơ sở đó tổ chức xử lý tài sản. 

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

- Trường hợp đơn vị sự nghiệp công (pháp nhân cũ) đã chấm dứt hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc xử lý tài sản, bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định giao cho đơn vị mới (pháp nhân mới) sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thực hiện các công việc còn lại hoặc giao cho cơ quan quản lý cấp trên thực hiện các công việc còn lại;

- Số tiền thu được từ xử lý tài sản công của đơn vị sự nghiệp công khi tổ chức lại được quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 55 Nghị định 151/2017/NĐ-CP

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công đã thực hiện quyết toán tài chính thì số tiền thu được từ xử lý tài sản (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) được nộp vào ngân sách nhà nước;

Trường hợp đơn vị sự nghiệp công đã chấm dứt hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc xử lý tài sản mà bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định giao cho đơn vị mới sau khi tổ chức lại xử lý tài sản thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 55 Nghị định 151/2017/NĐ-CP

Trường hợp việc xử lý tài sản được giao cho cơ quan quản lý cấp trên thực hiện thì việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công áp dụng tương ứng với loại hình của cơ quan quản lý cấp trên;

- Khi thực hiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công mà đang sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, đơn vị phải chấm dứt hợp đồng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã ký hoặc chuyển sang pháp nhân mới tiếp tục thực hiện hợp đồng:

Đơn vị sự nghiệp công lập phương án xử lý đối với các tài sản đang kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để tổng hợp chung vào phương án xử lý tài sản trong Đề án tổ chức lại trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 Thông tư 56/2022/NĐ-BTC;

Trường hợp phương án giao cho pháp nhân mới tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì pháp nhân mới thực hiện ký lại Hợp đồng cho thời gian còn lại và phải kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật.

* Xử lý về tài chính của đơn vị sự nghiệp công khi tổ chức lại:

Đơn vị sự nghiệp công (pháp nhân cũ) bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định tại Luật Kế toán và có trách nhiệm:

- Lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán theo quy định của chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp công;

- Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (các bộ, cơ quan trung ương đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý), cơ quan chủ quản cấp trên (đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý) để báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản kinh phí được cấp;

- Có văn bản đề nghị cơ quan thuế thực hiện quyết toán hoặc kiểm tra, xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định;

- Kiểm kê số dư bằng tiền của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ đặc thù, Quỹ khác và số dư nguồn cải cách tiền lương.

* Đơn vị sự nghiệp công (pháp nhân cũ) bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất phải bàn giao đầy đủ, nguyên trạng tài sản, công nợ, quyền sử dụng đất, các hợp đồng kinh tế, các quyền, nghĩa vụ khác cho đơn vị sự nghiệp công (pháp nhân mới) kèm theo hồ sơ, chứng từ có liên quan;

Đơn vị sự nghiệp công (pháp nhân mới) hình thành sau chia, tách, sáp nhập, hợp nhất có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa toàn bộ tài sản (kể cả tài sản hư hỏng, kém, mất phẩm chất, không cần dùng, chờ thanh lý), các khoản công nợ phải thu, phải trả và các nghĩa vụ khác của đơn vị bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất.

Sau khi nhận bàn giao, đơn vị sự nghiệp công (mới) có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính theo các quy định hiện hành.

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,358

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079