02 trường hợp công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại công dân

07/03/2023 18:33 PM

Công an có được thu giữ, kiểm tra điện thoại người dân không? Nếu có thì được phép thu giữ, kiểm tra trong trường hợp nào? - Hoàng Vũ (Quảng Bình)

02 trường hợp công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại công dân

02 trường hợp công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại công dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quyền được pháp luật bảo vệ an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:

- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ngoài ra, Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định:

Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.

Theo đó, cá nhân được pháp luật bảo vệ bí mật đời tư, được an toàn thư tín, điện thoại, điện tín. Do đó, việc thu thập, sử dụng và công khai thông tin liên quan đến cá nhân phải được cá nhân đó đồng ý.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, người hoặc cơ quan có thẩm quyền có thể khám xét, tịch thu, kiểm tra điện thoại của công dân, cụ thể:

2. 02 trường hợp công an được thu giữ, kiểm tra điện thoại người dân

2.1. Khi điện thoại chứa tang vật vụ việc vi phạm hành chính

Căn cứ khoản 5 Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người có thẩm quyền có quyền khám đồ vật, trong đó có điện thoại di động trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc khám đồ vật chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính.

2.2. Khi điện thoại là vật chứng trong vụ án hình sự

- Theo Điều 87, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì điện thoại di động được xem là nguồn chứng cứ dưới hình thức dữ liệu điện tử vì điện thoại là phương diện lưu trữ chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. 

- Dữ liệu điện tử là một trong 07 nguồn của chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 

- Cơ quan Công an có quyền thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) theo Điều 88, 89, 90, 107, 196 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nhằm: 

+ Phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội; 

+ Thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội; 

+ Thu thập các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc đảm bảo thi hành án, xử phạt.

Theo Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì quá trình thu giữ dữ liệu điện tử (điện thoại di động) có thể thu giữ thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan nên việc yêu cầu người chủ thiết bị điện tử cung cấp mật khẩu dữ liệu điện tử là hoàn toàn hợp pháp nhằm khai thác, kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, dữ liệu có liên quan đến vụ việc đang giải quyết.

Như vậy, từ các quy định nêu trên, công an có quyền thu giữ, kiểm tra điện thoại của công dân khi có căn cứ cho rằng chiếc điện thoại này là bằng chứng hoặc có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính hoặc có liên quan hoặc là phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 39,049

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079