Chính sách mới >> Tài chính 06/09/2011 08:29 AM

Bơm tiền chống lạm phát: Nghịch lý hay hợp lý?

06/09/2011 08:29 AM

Chính sách tiền tệ đã thắt chặt đến mức "nghẹt thở" nhưng lạm phát vẫn cao. Bài toán kiểm soát lạm phát cuối năm đang đặt ra nhiều thách thức cho các cấp quản lý

TS Lê Thẩm Dương, với góc nhìn của mình đã chia sẻ những giải pháp táo bạo trong việc kiềm chế LP những tháng cuối năm.

Chúng ta đã thực hiện đúng nguyên lý kinh tế và giải pháp đề ra từ đầu năm, thắt chặt tiền tệ để chống LP nhưng vẫn không mang lại kết quả, ông lý giải thế nào về việc này?

LP có nhiều nguyên nhân như tiền tệ, cầu kéo, chi phí đẩy, tâm lý... Nguyên nhân thì nhiều mà ta chỉ quyết liệt có chuyện kéo tiền về nên không đạt kết quả như mong muốn là đương nhiên. Nhìn lại từ năm 1999 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình tăng 30% trở lên và tổng phương tiện thanh toán (M2) từ 23 - 25%, cả 2 yếu tố này đều tham gia vào LP nhưng LP không cao như năm nay. Tôi cho rằng, đây là lúc chúng ta phải bình tĩnh xem lại vấn đề để có giải pháp phù hợp cho những tháng cuối năm.

Nghĩa là chúng ta đã "chẩn" không đúng bệnh và "bốc thuốc" trị LP chưa chính xác?

Thực ra, Nghị quyết 11 có đầy đủ các giải pháp, có kiểm soát giá, có tăng GDP, có tuyên truyền... Nhưng như tôi vừa nói, chúng ta chỉ tập trung chủ yếu vào việc thắt chặt tiền tệ thay vì tiến hành đồng bộ các giải pháp nên mới dẫn đến chuyện, tiền tệ thắt đến mức nghẹt thở nhưng LP vẫn cao.

Theo ông, việc thực hiện thiếu đồng bộ các giải pháp dẫn đến hậu quả gì?

Bình quân các năm ở ta phá sản và giải thể khoảng 6.000 doanh nghiệp (DN), nhưng nửa năm nay, con số này đã tăng gấp đôi. DN "chết" tăng, nghĩa là hàng giảm. Nhưng hàng giảm mà vẫn không cân đối được tiền - hàng, nhiều lĩnh vực tồn kho tăng mạnh nhưng không ít nơi lại thiếu. Cũng như việc ta chấp nhận "hy sinh" nhiều thứ khi "hút" tiền về. Nhưng đưa tiền ra ít mà hệ số Icor (hiệu quả sử dụng vốn) cao khiến LP tăng cao.

Nhìn rõ nhất là trong lĩnh vực quản lý giá, do thực hiện thiếu quyết liệt nên nạn đầu cơ xảy ra tràn lan trên khắp các mặt trận, từ cà chua đến vàng đều bị thao túng. Hiện tượng chợ đầu mối rau củ giá rẻ như bèo nhưng ra đến chợ lẻ, giá bị thổi lên trời hay giá vàng trong nước cao hơn thế giới đến vài triệu đồng... đã xảy ra nhiều lần trong thời gian qua. Tất nhiên, chống LP thì phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận giảm GDP. Nhưng giảm mà không chống được thì đó chính là hậu quả. 

Hiện có 2 luồng quan điểm, một bên ủng hộ việc tiếp tục thắt chặt tiền tệ, cho đến lúc đạt được mục đích là kiểm soát LP, một bên là nới lỏng tín dụng để tránh nguy cơ đình đốn sản xuất, quan điểm của ông thế nào?

Do đầu năm ta thắt quá chặt (tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ 7,23%) nên từ nay đến cuối năm, nếu ta "bơm" tiền ra cho đủ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20% và tổng phương tiện thanh toán 16% chắc chắn LP càng cao. Nhưng nếu giữ nguyên hoặc tiếp tục "co" vào thì sẽ tác động đến các nguyên nhân còn lại như phí đầu vào cao, cầu hàng hóa giảm, niềm tin giảm... còn chết hơn. Đáng sợ nhất là đình đốn sản xuất. Nếu nguyên nhân chỉ là tiền thì kéo tiền về là chữa được, nhưng nguyên nhân do đình đốn sản xuất là hết thuốc chữa. Vì DN phá sản thì làm sao chữa được nữa. Nên chắc chắn phải bơm tiền ra thôi. Vấn đề của các nhà quản lý là bơm bao nhiêu để tiếp sức cho nền kinh tế nhưng không áp lực lên LP.

Nhưng nới lỏng tín dụng để chống LP thì quá nguy hiểm. DN thiếu vốn, khó khăn, ách tắc... nhưng chưa chắc bơm tiền ra, nền kinh tế đã hấp thụ ngay được. Trong trường hợp đó, hậu quả sẽ không lường trước được...

Chúng ta đã đổi giá, đã thanh lọc, thị trường đã đạt đến mức trả giá nhất định. Tất cả những điều này khẳng định, việc thắt chặt tiền tệ tới thời điểm này đã đến ngưỡng. Đã đến lúc phải bơm tiền ra. Nhưng bơm ra phải đồng thời với việc "nắn dòng" tín dụng vào đúng nơi, đúng chỗ. Đó là vào DN vừa và nhỏ; các DN được ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu) và phải có thái độ rõ ràng với chứng khoán và bất động sản.
Chứng khoán là kênh huy động vốn, bất động sản còn là an sinh xã hội, còn các ngành nguyên vật liệu đi kèm... Đây là 2 thị trường tất yếu nên không thể "buông" được. Nếu bơm tiền đúng nơi, đúng chỗ sẽ tác động tích cực lên chỉ số CPI chứ không phải cứ bơm tiền ra là LP.

Trở lại vấn đề thực hiện đồng bộ các giải pháp, còn phải làm những gì, thưa ông?

Ngoài nguyên nhân tiền tệ, LP của ta còn do các nguyên nhân khác như chi phí đẩy (chi phí đầu vào gồm xăng, điện, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng; chế độ quản lý giá kém; tham nhũng, lãng phí, đầu cơ...). Trong bối cảnh đó, kéo tiền về bao nhiêu cũng không giải quyết được LP mà phải tập trung vào chống nguyên nhân gây ra tăng giá. Cần tỏ rõ thái độ về giá xăng; thực phẩm cuối năm phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để cắt cửa đầu cơ; "trấn" ngoại tệ và vàng kể cả bằng cơ chế tạm thời để cắt cửa thổi giá.
Một nguyên nhân nữa là do tâm lý. Khi người ta mất lòng tin vào đồng tiền, người ta không giữ tiền mà mang ra mua vàng, mua ngoại tệ, mua hàng hóa, mua ngay cả thứ không cần... Nếu không "giam" được yếu tố lòng tin lại thì LP rất khó chống. Đây chính là cội nguồn của LP kỳ vọng. Tôi nói ví dụ, LP của ta lẽ ra là 17% nhưng trong đầu người ta cứ tính 20 - 22%. Và khi tính giá cả hàng hóa, tiêu dùng, gửi tiết kiệm... người ta đều cộng thêm phần kỳ vọng này vào cho yên tâm. Vậy là giá tăng, gây ra LP. Đó là lý do, nếu không "kéo" được lòng tin về là thua.
Nếu chúng ta cũng tập trung chống chi phí đẩy, cầu kéo và lòng tin quyết liệt như đã làm với chính sách tiền tệ, tôi tin rằng sẽ kiểm soát được LP trong những tháng cuối năm.

Giảm lãi suất

Về chính sách tiền tệ, TS Lê Thẩm Dương cho rằng lãi suất (LS) phải giảm xuống. Tuy nhiên, giảm so với LS hiện hữu 22 - 25% chứ không phải giảm so mục tiêu chống LP là vào 14% - ra 18%. Giảm dưới mức này là chết. Nghe có vẻ nghịch lý vì LS giảm LP sẽ tăng. Nhưng nếu tăng LS sẽ gia tăng các nguyên nhân kia cho nên giảm LS là chủ trương đúng.

Theo Nguyên Hằng
Thanh niên

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,726

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079