Công nợ là một thuật ngữ kế toán thường gặp, có thể hiểu đơn giản, khi cá nhân hoặc doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ, hoặc phát sinh trong kỳ thanh toán với một cá nhân, tổ chức khác, nhưng chưa thể trả tiền tại thời điểm đó mà phải chuyển sang kỳ thanh toán sau, thì được gọi là công nợ.
Ví dụ: Công ty TNHH MTV A ký hợp đồng mua bán lúa với công ty B, với giá là 50 triệu đồng với công ty B. Trong hợp đồng có thỏa thuận 30 ngày sau khi nhận được hàng hóa bên A có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ số tiền cho bên B.
Tuy nhiên đến thời điểm thanh toán, do gặp khó khăn về kinh tế nên công ty A chỉ có thể thanh toán được cho công ty B số tiền là 25 triệu đồng và còn nợ lại 25 triệu đồng. Như vậy số tiền mà công ty A còn nợ công ty B là 25 triệu đồng (đây được gọi là khoản công nợ mà bên A có trách nhiệm phải trả cho bên B).
Hiện nay công nợ được chia thành 02 loại là kế toán công nợ phải thu và công nợ phải trả:
- Công nợ phải thu là những khoản mà phải thu của khách hàng. Qua những lần xuất hàng hóa, sản phẩm cho khách hàng, nhưng họ chưa thanh toán hoặc chỉ mới thanh toán 1 phần. Kế toán công nợ sẽ theo dõi, quy chiếu cụ thể phân loại từng nhóm và đối tượng khách hàng để kiểm soát.
- Công nợ phải trả là những khoản doanh nghiệp sẽ trả cho nhà cung cấp. Các giá trị về hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đã nhận nhưng chưa thanh toán hoặc chỉ mới thanh toán 1 phần cho nhà cung cấp.
Kế toán công nợ là gì?
Kế toán công nợ là vị trí kế toán chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, thúc đẩy và xử lý các khoản công nợ của doanh nghiệp.
Với các doanh nghiệp việc phát sinh công nợ bắt nguồn từ các nguyên nhân như:
- Chưa thể thanh toán được với bên cung cấp khi chưa đủ tiền để thực hiện hoạt động giao dịch với mục đích thu lợi nhuận.
- Khách mua và đã lấy hàng hóa nhưng chưa có đủ khả năng thanh toán số tiền cần phải chi trả. Do đó, khách hàng sẽ nợ và cam kết trả số tiền đó cho doanh nghiệp sau một thời gian nhất định.
- Người bán mong muốn số lượng hàng bán ra được tăng nên chưa cần phải thanh toán ngay mà khách vẫn có thể lấy hàng. Đây được xem là hành vi thúc đẩy kinh doanh của người bán.
- Đối với những sản phẩm, dịch vụ nhất định sẽ có yêu cầu hoàn tất những công việc hoạt động thương mại thì người mua mới thanh toán. Vì vậy, đây là nguyên nhân dẫn đến những chi phí cho người mua như là nợ phải trả.
Thế nào là công nợ? Công nợ có phải là nợ công? (Hình từ internet)
Theo Luật Quản lý nợ công 2017, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Cụ thể, nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được Chính phủ bảo lãnh.
Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay.
Theo cách hiểu trên, thì công nợ và nợ công là hai khái niệm khác nhau.