Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
- Có phương án sử dụng vốn khả thi.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) có một số quy định liên quan lãi suất cho vay như sau:
(1) Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại mục (2).
(2) Trường hợp khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
- Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
- Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại;
- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao.
(3) Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.
Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
(5) Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Hướng dẫn tính tính lãi vay mua nhà (Hình từ internet)
Hiện nay, để tính lãi vay mua nhà thì có các cách sau đây:
(1) Cách tính lãi vay nhà theo số dư nợ gốc
Với cách tính lãi vay mua nhà theo số dư nợ gốc, tiền lãi của mỗi kỳ trả lãi sẽ bằng nhau trong toàn bộ quá trình vay và được tính theo số tiền gốc ban đầu.
Tiền lãi hàng tháng = Dư nợ gốc x Lãi suất vay/Thời gian vay
Ví dụ: Nguyễn Văn A vay 600.000.000 đồng trong 12 tháng với mức lãi suất là 12%/năm.
Số tiền gốc phải trả ngân hàng hàng tháng là: 600.000.000 đồng/12 tháng = 50.000.000 đồng
Số lãi phải trả ngân hàng hàng tháng là: (600.000.000 đồng x 12%)/12 tháng = 6.000.000 đồng
Số tiền phải trả hàng tháng là 56.000.000 đồng.
(2) Cách tính lãi vay mua nhà theo số dư nợ giảm dần
Trường hợp tính lãi suất vay theo số dư nợ giảm dần thì số dư nợ dựa trên số tiền thực tế còn nợ sau khi đã trừ đi phần nợ gốc đã trả.
Công thức tính lãi suất theo dư nợ giảm dần cụ thể như sau:
- Tiền gốc hàng tháng = Số tiền vay/Số tháng vay
- Tiền lãi tháng đầu = Số tiền vay x Lãi suất vay theo tháng
- Tiền lãi các tháng còn lại = Số tiền gốc còn lại x Lãi suất vay
Ví dụ: Nguyễn Văn A vay 600.000.000 đồng thời hạn trong 12 tháng với mức lãi suất 12%/năm
Tiền gốc trả hàng tháng = 600.000.000 đồng /12 = 50.000.000 đồng
Tiền lãi vay mua nhà tháng đầu = (600.000.000 đồng x 12%)/12 = 6.000.000 đồng. Tổng số tiền phải trả tháng đầu là 56.000.000 đồng.
Tiền lãi tháng thứ 2 = (600.000.000 đồng – 50.000.000 đồng) x 12%/12 = 5.500.000 đồng. Tổng tiền phải trả tháng thứ 2 là 50.000.000 đồng + 5.500.000 đồng = 55.500.000 đồng.
Tiền lãi tháng thứ 3 = (550.000.000 đồng – 50.000.000 đồng) x 12%/12 = 5.000.000 đồng. Tổng tiền phải trả tháng thứ 3 là 50.000.000 đồng + 5.000.000 đồng = 55.0000.000 đồng.
Các tháng tiếp theo, tính lãi vay mua nhà theo cách tính tương tự đến khi hết nợ.