Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và 04 điều cần biết

22/11/2023 10:45 AM

Cho tôi hỏi khi nào một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt? Và khi nào sẽ chấm dứt việc kiểm soát đặc biệt đó? - Mai Thy (TPHCM)

Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và 04 điều cần biết

Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và 04 điều cần biết (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?

Theo Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) quy định trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt như sau:

- Tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:

+ Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

+ Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

+ Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;

Tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng 2010:

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

+ Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.

2. Quy định về quyết định đặt ngân hàng vào kiểm soát đặc biệt

Theo Điều 145a Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) quy định về quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt như sau:

- Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) vào kiểm soát đặc biệt và thành lập Ban kiểm soát đặc biệt để kiểm soát hoạt động của tổ chức tín dụng đó.

- Ngân hàng Nhà nước quy định các nội dung sau đây:

+ Hình thức kiểm soát đặc biệt, thời hạn kiểm soát đặc biệt, gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt, công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng;

+ Thành phần, số lượng, cơ cấu, cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và thực trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

- Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng đó được chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt.

3. Khi nào chấm dứt kiểm soát đặc biệt với ngân hàng?

Theo Điều 145b Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) thì Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017).

- Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác hoặc bị giải thể.

- Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành thủ tục phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

4. Thẩm quyền quyết định cơ cấu lại ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Theo Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) quy định về thẩm quyền quyết định cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như sau:

- Chính phủ có thẩm quyền sau đây:

+ Quyết định chủ trương cơ cấu lại theo phương án giải thể, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

+ Phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

+ Quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

- Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền sau đây:

+ Quyết định chủ trương cơ cấu lại theo phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt;

+ Phê duyệt phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính được kiểm soát đặc biệt;

+ Quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

- Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền sau đây:

+ Quyết định chủ trương cơ cấu lại theo phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;

+ Phê duyệt phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, trừ trường hợp quyết định việc cho vay đặc biệt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017);

+ Quyết định việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,160

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079