Chính sách mới >> Tài chính 12/01/2024 19:00 PM

Quy định về séc và phát hành séc theo Luật Các công cụ chuyển nhượng

12/01/2024 19:00 PM

Cho tôi hỏi séc là gì và quy định về phát hành séc, thanh toán séc được quy định như thế nào theo Luật Các công cụ chuyển nhượng?

Quy định về séc và phát hành séc theo Luật Các công cụ chuyển nhượng

Quy định về séc và phát hành séc theo Luật Các công cụ chuyển nhượng (Hình từ internet)

Thế nào là séc?

Theo Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.

Tại Thông tư 22/2015/TT-NHNN có định nghĩa về séc như sau:

Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát trích một số tiền nhất định từ tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.

Người ký phát là người lập và ký phát séc.

Người bị ký phát là ngân hàng mở tài khoản thanh toán cho người ký phát có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi trên séc theo lệnh của người ký phát.

Người thụ hưởng là một trong những người sau đây:

+ Người được nhận số tiền ghi trên séc theo chỉ định của người ký phát;

+ Người nhận chuyển nhượng séc theo các hình thức chuyển nhượng quy định tại Thông tư này;

+ Người cầm giữ séc có ghi trả cho người cầm giữ.

Quy định về séc và phát hành séc theo Luật Các công cụ chuyển nhượng

Các nội dung của séc

(1) Mặt trước séc có các nội dung sau đây:

- Từ "Séc" được in phía trên séc;

- Số tiền xác định;

- Tên của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là người bị ký phát;

- Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân của người thụ hưởng được người ký phát chỉ định hoặc yêu cầu thanh toán séc theo lệnh của người thụ hưởng hoặc yêu cầu thanh toán séc cho người cầm giữ;

- Địa điểm thanh toán;

- Ngày ký phát;

- Tên đối với tổ chức hoặc họ, tên đối với cá nhân và chữ ký của người ký phát.

(2) Séc thiếu một trong các nội dung quy định tại khoản (1) thì không có giá trị, trừ trường hợp địa điểm thanh toán không ghi trên séc thì séc được thanh toán tại địa điểm kinh doanh của người bị ký phát.

(3) Ngoài các nội dung quy định tại khoản (1), tổ chức cung ứng séc có thể đưa thêm những nội dung khác mà không làm phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý của các bên như số hiệu tài khoản mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc, địa chỉ của người ký phát, địa chỉ của người bị ký phát và các nội dung khác.

(4) Trường hợp séc được thanh toán qua Trung tâm thanh toán bù trừ séc thì trên séc phải có thêm các nội dung theo quy định của Trung tâm thanh toán bù trừ séc.

(5) Mặt sau của séc được sử dụng để ghi các nội dung chuyển nhượng séc.

6. Số tiền ghi bằng số trên séc phải bằng với số tiền ghi bằng chữ trên séc. Nếu số tiền ghi bằng số khác với số tiền ghi bằng chữ thì séc không có giá trị thanh toán.

Quy định về ký phát séc

(1) Séc được ký phát để ra lệnh cho người bị ký phát thanh toán:

- Cho một người xác định và không cho phép chuyển nhượng séc bằng cách ghi rõ tên của người thụ hưởng và kèm theo một trong các cụm từ “không chuyển nhượng”, “không trả theo lệnh”;

- Cho một người xác định và cho phép chuyển nhượng séc bằng cách ghi rõ tên của người thụ hưởng và không có cụm từ không cho phép chuyển nhượng quy định tại điểm a Khoản này;

- Cho người cầm giữ séc, bằng cách ghi cụm từ “trả cho người cầm giữ séc” hoặc không ghi tên người thụ hưởng.

(2) Séc có thể được ký phát ra lệnh cho người bị ký phát thanh toán số tiền ghi trên séc cho chính người ký phát.

(3) Séc không được ký phát để ra lệnh cho chính người ký phát thực hiện thanh toán séc, trừ trường hợp ký phát để trả tiền từ đơn vị này sang đơn vị khác của người ký phát.

(4) Người ký phát séc là tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc và địa điểm xuất trình

(1) Thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán séc là ba mươi ngày, kể từ ngày ký phát.

(2) Người thụ hưởng được xuất trình yêu cầu thanh toán séc muộn hơn, nếu việc chậm xuất trình do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra. Thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán.

(3) Trong thời hạn xuất trình yêu cầu thanh toán, séc phải được xuất trình để thanh toán tại địa điểm thanh toán quy định tại điểm đ khoản 1 và khoản 2 Điều 58 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 hoặc tại Trung tâm thanh toán bù trừ séc nếu được thanh toán qua Trung tâm này.

(4) Việc xuất trình séc để thanh toán được coi là hợp lệ khi séc được người thụ hưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người thụ hưởng xuất trình tại địa điểm thanh toán quy định tại khoản (3).

(5) Người thụ hưởng có thể xuất trình séc để thanh toán theo hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Việc xác định thời điểm xuất trình séc để thanh toán được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi.

Thực hiện thanh toán séc

(1) Khi séc được xuất trình để thanh toán theo thời hạn và địa điểm xuất trình quy định tại Điều 69 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 thì người bị ký phát có trách nhiệm thanh toán trong ngày xuất trình hoặc ngày làm việc tiếp theo nếu người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán.

(2) Người bị ký phát không tuân thủ quy định tại khoản (1) phải bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng, tối đa bằng tiền lãi của số tiền ghi trên séc tính từ ngày séc được xuất trình để thanh toán theo mức lãi suất phạt chậm trả séc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng tại thời điểm xuất trình séc

(3) Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán trước ngày ghi là ngày ký phát trên séc thì việc thanh toán chỉ được thực hiện kể từ ngày ký phát ghi trên séc.

(4) Séc được xuất trình sau thời hạn xuất trình để thanh toán nhưng chưa quá sáu tháng kể từ ngày ký phát thì người bị ký phát vẫn có thể thanh toán nếu người bị ký phát không nhận được thông báo đình chỉ thanh toán đối với séc đó và người ký phát có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán.

(5) Trường hợp khoản tiền mà người ký phát được sử dụng để ký phát séc không đủ để thanh toán toàn bộ số tiền ghi trên séc theo quy định tại khoản (1) và (2), nếu người thụ hưởng yêu cầu được thanh toán một phần số tiền ghi trên séc thì người bị ký phát có nghĩa vụ thanh toán theo yêu cầu của người thụ hưởng trong phạm vi khoản tiền mà người ký phát hiện có và được sử dụng để thanh toán séc.

(6) Khi thanh toán một phần số tiền ghi trên séc, người bị ký phát phải ghi rõ số tiền đã được thanh toán trên séc và trả lại séc cho người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền. Người thụ hưởng hoặc người được người thụ hưởng ủy quyền phải lập văn bản biên nhận về việc thanh toán đó và giao cho người bị ký phát.

(7) Văn bản biên nhận trong trường hợp này được coi là văn bản chứng minh việc người bị ký phát đã thanh toán một phần số tiền ghi trên séc.

(8) Trường hợp séc được xuất trình để thanh toán sau khi người ký phát bị tuyên bố phá sản, giải thể, chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì séc vẫn có hiệu lực thanh toán theo quy định tại Điều này.

(9) Việc thanh toán séc theo quy định tại khoản (4) chấm dứt sau sáu tháng, kể từ ngày ký phát ghi trên séc.

Căn cứ: Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,342

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079