Hủy bỏ đợt chào bán trái phiếu, tiền của nhà đầu tư được hoàn lại như thế nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì trái phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Ngoài ra, khoản 6,7,8,9 Điều 3 Nghị định 155/2020/NĐ-CP giải thích cụ thể hơn về trái phiếu như sau:
- Trái phiếu là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
- Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính tổ chức phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu có bảo đảm là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
- Trái phiếu kèm chứng quyền là loại trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của tổ chức phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
Theo khoản 1,2 Điều 28 Luật Chứng khoán 2019, quy định về hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng như sau:
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong các trường hợp sau đây:
+ Hết thời hạn đình chỉ quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Chứng khoán 2019 mà không khắc phục được những thiếu sót dẫn đến việc đình chỉ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng;
+ Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng không đáp ứng được điều kiện về tỷ lệ tối thiểu số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn của tổ chức phát hành theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019.
+ Đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng không đáp ứng được điều kiện về huy động đủ phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019.
- Ngoài các trường hợp quy định nêu trên, đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 3 Điều 28 Luật Chứng khoán 2019 quy định về quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp chào bán trái phiếu bị hủy bỏ như sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên một tờ báo điện tử hoặc 03 số liên tục trên báo in trong thời hạn 07 ngày và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
Như vậy, khi hủy bỏ đợt chào bán trái phiếu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bị hủy bỏ tổ chức phát hành phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Đặc biệt, ngoài việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, hết thời hạn này, tổ chức phát hành còn phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết.
- Hành vi công bố thông tin sai lệch có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng ,biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.
(Khoản 5 Điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 33 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP)
- Đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật thì có thể bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng
(khoản 6 Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)
- Đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán, phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng.
(Khoản 7 Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)
Lưu ý: Biện pháp khắc phục đối với 2 hành vi trên là buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong trường hợp đã chào bán, phát hành chứng khoán.
Tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàuật ng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành; trường hợp chào bán, phát hành trái phiếu thì tiền lãi phát sinh từ tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc được tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu.
(Điểm e khoản 9 Điều 8 Nghị định 156/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm e Khoản 7 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP)
Đoàn Đức Tài