Quy định mới nhất về hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân (Hình từ Internet)
Khái niệm quỹ tín dụng nhân dân được quy định tại khoản 30 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân như sau:
- Quỹ tín dụng nhân dân nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam.
- Quỹ tín dụng nhân dân cho vay bằng đồng Việt Nam.
- Quỹ tín dụng nhân dân cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó, trừ việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
- Các hoạt động kinh doanh khác của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
+ Nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân;
+ Đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó;
+ Vay, gửi tiền tại ngân hàng hợp tác xã; vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay, gửi tiền lẫn nhau;
+ Tham gia góp vốn tại ngân hàng hợp tác xã;
+ Mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, bảo quản tài sản;
+ Đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
+ Tư vấn cho thành viên về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.
Hiện hành, hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng 2010 như sau: “Điều 118. Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân 1. Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau đây: a) Nhận tiền gửi của thành viên; b) Nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 2. Cho vay bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau đây: a) Cho vay đối với khách hàng là thành viên; b) Cho vay đối với khách hàng không phải là thành viên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. 3. Cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên. 4. Các hoạt động khác, bao gồm: a) Tiếp nhận vốn ủy thác cho vay của Chính phủ, tổ chức, cá nhân; b) Vay vốn của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác; c) Tham gia góp vốn thành lập ngân hàng hợp tác xã; d) Mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước; đ) Mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; e) Nhận ủy thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; g) Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm; h) Cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính cho các thành viên.” |
Về cơ cấu tổ chức quản lý và vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân, Điều 82 và Điều 83 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định:
- Cơ cấu tổ chức quản lý của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm Đại hội thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc).
- Quỹ tín dụng nhân dân phải có kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ và thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm vốn góp của các thành viên.
- Vốn điều lệ của Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được bổ sung từ các nguồn sau đây:
+ Vốn góp của thành viên;
+ Vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với ngân hàng hợp tác xã;
+ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và các quỹ khác theo quy định của pháp luật;
+ Nguồn vốn hợp pháp khác.
- Mức vốn góp của một thành viên do Đại hội thành viên quyết định theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trần Trọng Tín