Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh: N.H
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, về chương trình cho vay hỗ trợ bình ổn giá tại TP.HCM, ngoài ý nghĩa giúp cho doanh nghiệp có nguồn hàng sản xuất ổn định, đảm bảo việc bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM, chương trình còn cho thấy các ngân hàng thương mại đã vào cuộc để chia sẻ với việc bình ổn giá của thành phố. Lãi suất của chương trình hiện là 6% và khó có thể giảm thêm bởi lạm phát mục tiêu là 7%. Tuy nhiên, trên cơ sở cân đối nguồn vốn, nếu khả năng cho phép, các ngân hàng có thể cân nhắc giảm tiếp thêm mặt bằng lãi suất này.
Thống đốc phân tích, qua 2 tháng đầu năm, chỉ số CPI của cả nước, đặc biệt là TP.HCM được kiểm soát ở mức rất thấp. Đây là cơ hội để các ngân hàng có thể đi trước một bước trong việc tiếp tục giảm lãi suất ưu đãi này, nếu không giảm được nhiều thì ít nhất cũng giảm khoảng 0,5%/năm. "Trong gói tín dụng hỗ trợ mua nhà, năm ngoái lãi suất quy định là 6%, nhưng năm nay NHNN đã giảm xuống còn 5%, nhà nước đã tiên phong thì các tổ chức (TCTD) cũng nên cố gắng làm theo" - ông Nguyễn Văn Bình nói.
Trong gói kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, lãi suất ngắn hạn mục tiêu là không quá 9%/năm, phổ biến ở mức 8 – 8,5%/năm. Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, với đối tượng các doanh nghiệp khi cho vay ngắn hạn có thể xem xét mức lãi suất thấp hơn, để lãi suất ngắn hạn biến động khoảng 7 – 8%/năm. Về lãi suất trung và dài hạn, năm 2013 ở mức 9 - 12%/năm, nhưng năm nay có thể xem xét đưa về mức xung quanh 10%/năm.
Thống đốc cũng lưu ý, đối với tiểu thương các chợ, lãi suất hiện ở mức 9%, trong năm nay cần đưa lãi suất xuống thấp hơn nữa, vì thực tế cho vay nặng lãi ở lĩnh vực này lãi suất rất cao, có thể tới 2 - 3%/tháng. Cùng với đó, các ngân hàng cần phối hợp cùng chính quyền địa phương và các hiệp hội để giảm thiểu các thủ tục cho vay, qua đó giúp cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các đối tượng này được thông thoáng hơn.
Nguyễn Hiền
Theo Báo Hải quan