Chiều nay (20/2), tại Hà Nội, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức cuộc hội thảo góp ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng đồ uống.
Tại cuộc họp, rất nhiều doanh nghiệp đều tranh luận rất gay gắt và chưa đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà Bộ Tài chính gửi cho Bộ Công thương ngày 25/1 vừa qua.
Họ cho rằng, việc tăng giá này chưa phù hợp với tình hình hiện nay và đề nghị Bộ Tài chính phải có lộ trình để tăng giá. Theo dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, riêng trong mảng bia rượu mức thuế dự kiến của Bộ tài chính như sau: bia tăng 15% (từ 50% lên 65%); rượu dưới 20% tăng 10% (từ 25% lên 35%)…
Đại diện của bia Heniken Việt Nam cho ý kiến: Bia Heniken là một doanh nghiệp có 40% vốn nhà nước. Nếu các cơ quan quản lý cho rằng tăng thuế mà giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe là chưa đúng. “Ngành rượu, bia đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tăng ngân sách và phát triển kinh tế của đất nước. Cho nên, nhà nước phải đối xử công bằng ngành rượu bia giống như ngành kinh tế khác. Việc đánh thuế đồng nhất bia trên 65% chưa hẳn phù hợp. Có những sản phẩm có độ cồn rất thấp, thậm chí bằng 0. Nếu đánh thuế như thế này sẽ hạn chế nghiên cứu phát triển sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Là một công ty nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam, ông Tayfun Uner, Tổng giám đốc Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) cho rằng: Chúng tôi luôn tuân thủ mọi chính sách và pháp luật của Việt Nam cũng như của Hiệp hội. Việc tăng giá như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn để ngành công nghiệp bia của Việt Nam.
“Nếu tăng thuế như thế thì các nhà sản xuất bia sẽ tăng giá bán lên 12%. Giá bán 1 chai bia tăng từ 20 – 25% đến người tiêu dùng cuối cùng. Ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam. Ngành sản xuất bia vì vậy sẽ chứng kiến sự sụt giảm đầu tiên. Ngoài ra, việc tăng giá cũng làm ảnh hưởng đến các ngành khác như: nhà hàng, ăn uống, ngành phụ trợ cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu liên quan.
Ông Tayfun Uner nói: “Ngành bia, rượu là một ngành kinh tế của Việt Nam. Việc tăng thuế trong một năm rưỡi sẽ là cơn đau tim đối với các ngành doanh nghiệp.
“Việc tăng giá như vậy sẽ làm cho các doanh nghiệp chân chính như chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Tại sao Nhà nước không đánh thuế rượu của người dân tự sản xuất”, bà Ngọc đại diện Công ty Rượu Hà Nội nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng, những ý kiến đóng góp rất thẳng thắn của các doanh nghiệp sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này.
Theo số liệu báo cáo của các Cục thuế, tổng sản lượng tiêu thụ cả nước năm 2013 là 925 triệu lít nước giải khác có gas không cồn.
Thu Thủy
Theo vov.vn