Phát biểu tại hội trường về vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, chiều nay (1/11), Đại biểu Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An), Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Cần có chủ trương cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản. Chúng ta chưa để một ngân hàng nào phải giải thể theo đúng nghĩa.
“Điều này tạo nên sự bao cấp không đáng có dẫn đến tình trạng ông chủ một số ngân hàng lợi dụng ngân hàng để thao túng thị trường, để thị trường hoạt động một cách méo mó, để lại nợ xấu nặng nề cho nền kinh tế. Đây là điều trái với thị trường và thông lệ quốc tế” – Đại biểu Phan Văn Quý nhấn mạnh.
Đại biểu cũng khẳng định, Ngân hàng cũng là một DN, cần phải hoạt động theo đúng Luật DN và Luật các TCTD. Nếu hoạt động yếu kém, khi cần giải thể thì tuân thủ luật pháp hiện hành. Có như vậy, chúng ta mới có được thị trường tài chính lành mạnh và bền vững.
Đánh giá cao các giải pháp mà ngành ngân hàng áp dụng trong quá trình tái cơ cấu, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nợ xấu vẫn còn cao cùng với sở hữu chéo là hai lớn cản trở sự phát triển của nền kinh tế và cần phải mạnh tay loại bỏ các hạn chế này.
Để đưa công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng đến đích, đại biểu cho rằng, cần thúc đẩy ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, với các ngân hàng yếu kém cần yêu cầu xây dựng phương án cơ cấu lại, có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu hợp nhất, sáp nhập. Đồng thời đổi mới công tác quản trị ngân hàng.
Cùng với đó, cần có biện pháp giám sát nợ xấu, trước mắt cần minh bạch hóa con số nợ xấu từng tổ chức tín dụng để thực hiện vấn đề này cần có phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ từng hoạt động tổ chức tín dụng. Thông tin về nợ xấu do các tổ chức tín dụng cung cấp phải phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Đối với tổ chức tín dụng phải tích cực xử lý nợ xấu, thường xuyên đánh giá lại, phân loại từng khoản nợ xấu và khả năng thu hồi nợ…
Đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần minh bạch sở hữu chéo, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đến mức đáng báo động. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và nguy cơ thao túng hoạt động tài chính. Giải pháp dài hạn để ngăn chặn hoạt động này là tập trung xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch.
Một giải pháp nữa, theo đại biểu, cần áp dụng Luật Bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đảm bảo sự hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng, nên có xếp hạng thứ tự các ngân hàng
Xoay quanh ý kiến cho rằng, xử lý nợ xấu không chỉ riêng ngành ngân hàng, bên hành lang Quốc hội chiều nay 1/11, đại biểu Lê Nam cho biết: Nợ xấu là hệ lụy của từ hoạt động của cả nền kinh tế và muốn xử lý nợ xấu phải có sự đồng bộ. Nếu các địa phương hay các bộ ngành giải quyết được nợ đọng xây dựng cơ bản, chắc chắn nợ xấu sẽ giảm đáng kể
Thị trường bất động sản có chính sách nào thúc đẩy ấm lên sẽ tác động đến giải quyết nợ xấu ngân hàng tích cực hơn. Nếu sức khỏe của các DN được cải thiện thì nợ xấu ngân hàng cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc giải quyết nợ xấu vẫn chủ công và chủ lực là ngân hàng, là tổ chức thương mại . Bởi nợ xấu phát sinh từ hoạt động thương mại và nợ xấu là một bộ phận không thể tách rời, chia cắt của hoạt động ngân hàng thương mại. NHNN là cơ quan có thể tham mưu cho Chính phủ những giải pháp phù hợp để điều hành các nhân tố trong nền kinh tế cùng tham gia giải quyết nợ xấu cùng với các TCTD./.
Vũ Hạnh