EVN đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12/2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh) - Ảnh: ANTĐ.
Năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể thấp nhất trong 10 năm gần đây, lộ trình tăng giá một số mặt hàng thiết yếu - trong đó có giá điện - có đang ở thời điểm thuận lợi để thực hiện?
Cũng như nhiều vấn đề khác của kinh tế vĩ mô, đây cũng là câu hỏi không dễ trả lời khi còn nhiều quan điểm rất khác nhau.
Với luồng ý kiến cho rằng CPI thấp là do tồn kho lớn, nợ xấu cao, sức mua kém, tổng cầu giảm mạnh thì việc thực hiện lộ trình tăng giá lúc này là không nên. Bởi điều đó sẽ càng làm cạn kiệt sức mua, từ đó không có khả năng phục hồi sản xuất.
Ở luồng ý kiến lạm phát thấp không phải nguyên nhân chủ yếu do sức mua giảm thì tăng giá để kích thích sản xuất là phương án hoàn toàn có thể tính đến.
Khi EVN muốn tăng giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang có dự định tăng giá điện. EVN đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12/2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh).
Phân tích của một cơ quan không thuộc Bộ Công Thương cho thấy, mức giá này nằm trong khung giá quy định trong quyết định của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015.
Theo quyết định này thì khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 (chưa bao gồm thuế VAT) là 1.437 đồng/kWh - 1.835 đồng/kWh.
Về thời gian giữa hai lần điều chỉnh liên tiếp thì mức giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh) được áp dụng từ ngày 1/8/2013, đến nay được 16 tháng nên đáp ứng thời gian điều chỉnh giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng.
Với mức tăng 9,5%, EVN được phép điều chỉnh sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Cho rằng việc tăng giá điện là cần thiết, song cơ quan này lý giải để có đủ cơ sở chấp thuận mức tăng như đề xuất của EVN, thì cần phải đánh giá tác động của việc tăng giá điện tới các chỉ số CPI, tăng trưởng GDP.
Tiền tăng thêm chi vào đâu?
Một dữ liệu tham khảo khi quyết định có nên tăng giá điện hay không là việc sử dụng phần doanh thu tăng thêm khi tăng giá điện.
EVN tính rằng việc cho phép điều chỉnh tăng giá điện trong tháng 12/2014 sẽ làm tập đoàn này tăng doanh thu thêm khoảng 700 tỷ đồng. Số tiền này được EVN dự kiến chi vào 3 việc.
Thứ nhất là dành 166,52 tỷ đồng thanh toán chi phí bổ sung môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy điện có công suất đến 30 MW. Hai là thực hiện đề án lắp đặt tụ bù, giảm tổn thất điện năng 267,46 tỷ đồng và ba là hạch toán được một phần chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn.
Như vậy, EVN cần phải có phương án chi phù hợp, ưu tiên những những khoản chi cấp thiết; việc thực hiện đề án lắp đặt tụ bù, giảm tổn thất điện năng mang tính chất đầu tư, nâng cấp nên phải sử dụng nguồn vốn đầu tư, do vậy, đề nghị không hạch toán một lần vào chi phí để tính giá điện.
Ngoài ra EVN còn kiến nghị phân bổ một phần lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn đến 31/12/2013 là 8.811 tỷ đồng vào chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015.
Sẽ tăng từ quý 1/2015?
Với những dữ liệu trên, một số ý kiến từ cơ quan chức năng cho rằng việc tăng giá điện vào thời điểm quý 1/2015 là hợp lý.
Bởi, sẽ tạo ngang giá chi phí đầu vào sản xuất so với các nước trong khu vực. Giá điện của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực làm thất thu nguồn thu từ FDI (FDI đang hưởng lợi và có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào yếu tố chi phí điện thấp).
Việc tăng giá điện còn được cho là sẽ kích thích, thu hút đầu tư tăng nguồn cung điện và phát triển thị trường thị trường điện lực cạnh tranh.
Theo cơ quan này, điều đáng lưu ý nhất là việc tăng giá điện hiện nay sẽ không có tác động lớn đến lạm phát, bởi vì theo dự báo lạm phát năm 2014 dưới 4%. Đây là cơ hội để tận dụng những lợi thế trên trong khi không tạo áp lực cho tăng CPI.
Tuy nhiên, để có đủ cơ sở xem xét mức tăng cho phù hợp cần thêm đánh giá chỉ số CPI và tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 trong trường hợp giá điện tăng.
Ngoài giá điện, một số ý kiến từ cơ quan tham mưu cấp vụ của bộ chức năng cũng cho rằng cần tăng giá nông sản, lương thực thực phẩm trong "rổ hàng hóa nhanh hơn so với mức tăng của hàng tiêu dùng và dịch vụ để rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập, mức sống của nông dân với lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Nguyên Hà