Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước 2025 (Luật số 89/2025/QH15) vào ngày 25/6/2025. Quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, công khai, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Trong đó, tại Điều 69 Luật Ngân sách nhà nước 2025 đã quy định xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm từ 01/01/2026 như sau:
(1) Đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp của đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị giao dự toán thực hiện xét duyệt, ra thông báo xét duyệt quyết toán đối với đơn vị sử dụng ngân sách thuộc phạm vi quản lý, đơn vị giao dự toán theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Ngân sách nhà nước 2025.
(2) Việc xét duyệt quyết toán được thực hiện theo các nội dung sau đây:
- Xét duyệt thu, chi phát sinh tại đơn vị bảo đảm các điều kiện thu, chi quy định tại Điều 12 của Luật Ngân sách nhà nước 2025 và phải hạch toán theo đúng pháp luật về kế toán, đúng mục lục ngân sách nhà nước, đúng niên độ ngân sách;
- Số liệu trong báo cáo quyết toán phải khớp đúng với số liệu trong sổ kế toán và số liệu xác nhận của Kho bạc Nhà nước.
(3) Khi xét duyệt quyết toán, cơ quan xét duyệt có quyền:
- Đề nghị Kiểm toán nhà nước hoặc thuê đơn vị kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật kiểm toán các báo cáo quyết toán của các dự án, chương trình mục tiêu có quy mô lớn để có thêm căn cứ cho việc xét duyệt;
- Yêu cầu đơn vị giải trình hoặc cung cấp thông tin, số liệu cần thiết để thực hiện việc xét duyệt quyết toán;
- Yêu cầu đơn vị nộp các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định và xuất toán các khoản chi sai chế độ, chi không đúng dự toán được duyệt; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với thủ trưởng đơn vị chi sai chế độ, gây thất thoát ngân sách nhà nước;
- Điều chỉnh những sai sót hoặc yêu cầu đơn vị cấp dưới lập lại báo cáo quyết toán nếu thấy cần thiết.
(4) Thủ trưởng đơn vị xét duyệt quyết toán phải chịu trách nhiệm về kết quả duyệt quyết toán, trường hợp phát hiện vi phạm mà không xử lý sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
(5) Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan tài chính để kiểm tra về tính đầy đủ, khớp đúng giữa các số liệu quyết toán với xác nhận của Kho bạc Nhà nước. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về quyết toán ngân sách của đơn vị mình.
Luật Ngân sách nhà nước 2025 giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Quy định xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm từ 01/01/2026 (Hình từ internet)
(1) Thu ngân sách nhà nước bao gồm:
- Toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí và các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện;
- Các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương; các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
(2) Chi ngân sách nhà nước bao gồm:
- Chi đầu tư phát triển;
- Chi dự trữ quốc gia;
- Chi thường xuyên;
- Chi trả nợ lãi;
- Chi viện trợ;
- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
(3) Bội chi ngân sách nhà nước.
(4) Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước.
(5) Nguồn trả nợ gốc vay của ngân sách nhà nước bao gồm các nguồn vay để trả nợ gốc; thu ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán; tăng thu so với dự toán, dự toán chi còn lại của cấp ngân sách; kết dư ngân sách nhà nước.
(Điều 5 Luật Ngân sách nhà nước 2025)
Xem thêm chi tiết tại Luật Ngân sách nhà nước 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 và thay thế Luật Ngân sách nhà nước 2015 (còn hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025).