Tại hội thảo về phát huy vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong phòng, chống tham nhũng hôm nay (25/9), ông Lê Truyền nhấn mạnh, nguy cơ tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận. Hội nghị Trung ương V của Đảng cũng như trên diễn đàn QH đều khẳng định tham nhũng nghiêm trọng và tràn lan đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.
Ông Lê Truyền: Toàn dân muốn chống tham nhũng nhưng chưa trở thành một "áp lực xã hội". Ảnh: MT
Từ đó, ông Lê Truyền khẳng định toàn dân đều muốn chống tham nhũng, song phản ứng của họ vẫn chưa trở thành một lực lượng, hay chưa trở thành một "áp lực xã hội" có thể thúc giục chính quyền và tạo ra những thay đổi trong chính sách.
Một trong những công cụ phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu là giám sát và phản biện xã hội. Việc này vốn là nhiệm vụ quan trọng nhất của MTTQ, nơi ông từng công tác, nhưng chính ông nhận định vẫn còn "nói nhiều làm ít". Các NGO có thể tham gia việc này, theo ông Truyền.
Nguyên đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết cũng nói, các NGO với thế mạnh về điều tra, khảo sát, nghiên cứu có thể "ngày càng đi sâu vào các nội dung cụ thể trong phòng, chống tham nhũng như công khai kê khai tài sản của những người có chức vụ, minh bạch thu chi của các cơ quan nhà nước, thu chi học phí, viện phí...".
Với những thông tin từ các hoạt động của mình, các NGO cần chủ động, mạnh dạn đưa ra những khuyến nghị chính sách nhằm hoàn thiện luật pháp về phòng, chống tham nhũng. "Các NGO đã bước đầu làm việc này qua cung cấp thông tin cho ĐB có quan tâm và có dũng khí để đưa ra trao đổi trên diễn đàn QH", ông Thuyết cho hay.
Ông Lê Truyền cũng cho rằng một thế mạnh lớn của các NGO là khả năng đi sâu phát hiện vấn đề để đề xuất trong quá trình xây dựng luật và chính sách.
Theo ông Thuyết, một việc nữa các NGO có thể đóng góp là nâng cao nhận thức cho nhân dân, hoàn thiện ở họ nhận thức và thái độ với tham nhũng, hình thành một thói quen dân chủ. "Việc này các NGO đã làm nhưng cần làm nhiều hơn, vì đấu tranh chống tham nhũng là lâu dài, với không chỉ một vài đối tượng mà quan trọng nhất là với tư duy tham nhũng".
Mong nhà nước phản hồi
Ông Trần Văn Long đến từ Viện Khoa học thanh tra cho biết cách hiểu về xã hội dân sự ở Việt Nam còn hẹp so với thế giới, bao gồm hệ thống MTTQ, giới doanh nghiệp, báo chí, ban thanh tra nhân dân các cấp và công dân nói chung. Các NGO chưa được thừa nhận cũng như chưa có cơ sở pháp lý để hoạt động.
Tuy vậy, như chia sẻ của một số NGO Việt Nam tại hội thảo, trong một lĩnh vực khó khăn như phòng, chống tham nhũng, vẫn có thể có không gian cho xã hội dân sự.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho biết đã tiến hành nhiều khảo sát, điều tra về tình hình tham nhũng trong khu vực dịch vụ công, trong lĩnh vực lâm nghiệp, các dự án tăng cường tính liêm chính cho thanh niên, tính minh bạch trong khu vực tư, cũng như giới thiệu kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng quốc tế vào Việt Nam và tham gia các cuộc đối thoại chống tham nhũng.
Tổ chức Live&Learn thì nhắm đến đối tượng là giới trẻ để xây dựng một xã hội minh bạch và bền vững, thu hút các bạn trẻ vào các cuộc đối thoại, biến tham nhũng từ một chủ đề "nhàm chán" và "to tát" thành một nhận thức thiết thân với họ, khuyến khích họ chủ động xác định lập trường và thái độ trước tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt ngay trong môi trường học đường.
Viện Tư vấn phát triển (CODE) lại đi vào một lĩnh vực rất dễ xảy ra tham nhũng là khai khoáng, đã bước đầu giới thiệu Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) với hy vọng Việt Nam sẽ sớm tham gia sáng kiến toàn cầu này.
Ba trong số rất ít các NGO ở Việt Nam tham gia vào lĩnh vực phòng, chống tham nhũng này đều tỏ ra lạc quan khi những hoạt động của họ được ghi nhận và ít nhiều thay đổi nhận thức của những người tham gia về phòng, chống tham nhũng.
Điều họ mong muốn hơn cả, như một tổng kết ngắn gọn của ông Phạm Quang Tú, Viện phó Viện CODE, là "có một cơ chế để nhà nước, chính quyền phản hồi những ý kiến đóng góp mang tính phản biện của các NGO nói riêng và xã hội dân sự nói chung".
Chung Hoàng