Chính sách mới >> Tham nhũng 02/07/2012 10:38 AM

Bộ trưởng KH-ĐT: Đau đớn khi tài sản nhà nước thất thoát

02/07/2012 10:38 AM

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời trên truyền hình câu hỏi "liệu doanh nghiệp nhà nước có phải là gánh nặng của nền kinh tế?".

80% DNNN vẫn có lãi

- Trong tổng số 85 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay, theo thống kê có đến 30 đơn vị có tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 3 lần. Liệu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải là gánh nặng của ngân sách nói riêng và nền kinh tế nói chung?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Các DNNN phải công khai hàng năm toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số nợ của các DNNN là 1.008 nghìn tỷ đồng, trên vốn chủ sở hữu của họ là 790 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,36 lần, chỉ bằng một nửa quy định. Đó là bình quân chung, tất nhiên trong đó có những tập đoàn, tổng công ty có con số lớn hơn. Nhưng nếu có là 3 lần, tôi thấy đó chưa phải là việc quá đáng lo ngại, vấn đề là vay có trả được không. 

Các DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng, đều là những đơn vị có bề dày lịch sử phát triển, là thành phần kinh tế rường cột trong nền kinh tế đất nước qua các thời kỳ phát triển. Họ đã đóng góp rất lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và giải phóng dân tộc. Họ là thành phần rất cơ bản.

Thứ hai, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đa số DNNN có lãi. Đến năm 2010, chỉ có 20% các DNNN lỗ và hòa vốn. Số nộp lãi của các DNNN hàng năm cho ngân sách đều tăng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy thực tế rằng, việc sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn lực to lớn mà đất nước trao cho các DNNN có hiệu quả chưa thực sự cao, chưa như mong muốn của nhân dân và đất nước. Đặc biệt có một số tập đoàn, tổng công ty gần đây đã bộc lộ yếu kém trong công tác quản lý. 

Kết luận qua các cuộc thanh tra của Thanh tra nhà nước, cũng như những sai phạm lớn ở các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian vừa qua mà báo chí đã thông tin, nhất là những thất thoát, tham ô, lãng phí lớn hàng nghìn tỷ đồng gây bức xúc trong xã hội, trên thực tế cũng rất bức xúc trong bộ máy, trong hê thống của chúng ta. 

Chính những con sâu này đã và đang làm lu mờ những công sức, đóng góp to lớn cơ bản của cả hệ thống DNNN trong cả một quá trình phát triển của đất nước. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, nó làm cho những nhận xét, đánh giá có phần nào đó rất tiêu cực về DNNN. Đúng là những cái sai đó phải xem xét, nghiêm trị, nhưng công sức của hàng vạn, hàng triệu cán bộ, công nhân viên chức, kỹ sư, những người đã lăn lộn trong suốt cả quá trình để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế thì ta không nên phủ nhận.

Cố tình làm sai vì lợi ích nhóm

- Nhưng người dân rất băn khoăn về năng lực giám sát của các cơ quan quản lý đối với khối DNNN. Vì sao với một hệ thống giám sát có thể nói là dày đặc như vậy, sai phạm vẫn xảy ra, thậm chí xảy ra ở mức độ rất nghiêm trọng?

Đúng là chúng ta có cả một hệ thống rất dày đặc các cơ quan quản lý nhà nước cũng như một hệ thống kiểm tra giám sát, nhưng rồi cũng chậm phát hiện những sai phạm ở các tập đoàn, tổng công ty như vừa qua. Tôi cho là có rất nhiều nguyên nhân, đánh giá điều này rất khó, nhưng có hai nguyên nhân rất căn bản.

Thứ nhất là những hạn chế, yếu kém của hệ thống tổ chức quản lý của chúng ta hiện nay. Trước hết là các bộ, ngành, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát. Ngoài ra chúng ta còn có cả một hệ thống chính trị, tổ chức đảng, công đoàn ở ngay trong doanh nghiệp và cấp trên của doanh nghiệp, cũng có những chức năng trên.

Thứ hai, đây là trách nhiệm của người quản lý trực tiếp các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, được giao trách nhiệm thay mặt nhà nước quản lý các đơn vị này. Trên các khung pháp lý, pháp luật, hiện nay về cơ bản chúng ta đã có những quy định rất mạch lạc. Nhưng rõ ràng qua những vụ việc sai như ở Vinashin, Vinalines hoặc một số thanh tra, kết luận khác, các cơ quan thanh tra, điều tra đều kết luận rõ ràng rằng những vụ thất thoát, tiêu cực lớn đều có một nguyên nhân căn bản là sự cố ý làm trái của các cá nhân.

Họ biết những điều đó luật pháp không cho phép, nhưng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, họ vẫn làm trái pháp luật. Như vậy không chỉ là vấn đề luật pháp mà còn là một vấn đề rất quan trọng trong nguyên nhân của những vụ việc tham ô, lãng phí này là họ cố tình báo cáo sai, làm trái, gây thất thoát vì lợi ích cá nhân. 

Đây là hai vấn đề chúng ta cần nhận diện rõ, mạch lạc. Và một trong những nguyên nhân ở đây là chưa có sự minh bạch.

Không có gì bí mật về tài chính doanh nghiệp

- Đã nhìn được những nguyên nhân như vậy thì liệu chúng ta có cơ hội và giải pháp nào để khắc phục, hạn chế những tồn tại, thậm chí sai phạm đó không?

Thứ nhất, tôi cũng như tất cả người dân rất bức xúc, Chính phủ rất bức xúc trước những sai phạm như vậy, đau đớn, trăn trở về chuyện tài sản lớn của nhà nước vì quản lý không hiệu quả bị thất thoát lớn như vậy. 

Ngay sau kỳ họp thứ ba QH khóa XIII, Chính phủ đã lập tức chỉ đạo các cơ quan vào cuộc. Bộ KH-ĐT, ngay khi QH còn chưa kết thúc, đã cùng Văn phòng CP, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, rà soát và liên tục ngày đêm cập nhật, xem xét từng chương mục trong sửa đổi Nghị định 132 về quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, trách nhiệm quản lý vốn đầu tư trong DNNN. Ngay trong đầu tháng 7, Bộ KH-ĐT sẽ trình Chính phủ để thảo luận và sớm ban hành.

Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành khác sửa đổi một loạt luật như doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng… liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của các doanh nghiệp để làm sao kiểm soát tốt hơn.

Một việc tôi cho là quan trọng hơn cả, giải pháp cốt lõi nhất, thiết yếu nhất để khắc phục tình trạng này, là cần một chế tài mạnh mẽ hơn nữa để buộc, yêu cầu các DNNN minh bạch thông tin về tài chính doanh nghiệp. 

Chúng ta đã có nhưng chưa đủ lượng và thực hiện rất kém. Các DNNN phải công khai hàng năm toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp, cho các cơ quan chức năng quản lý và cả phương tiện thông tin đại chúng, không có gì bí mật, giống như các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Như vậy, không chỉ các cơ quan nhà nước quản lý, theo dõi được mà dư luận và nhân dân cũng có thể kiểm tra.

Cũng cần chế tài hàng năm kiểm toán bắt buộc đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Làm được như vậy mới khắc phục được chuyện tại sao nhiều cơ quan mà không làm được. Vì thực ra để nhìn nhận một vấn đề sai trong kinh tế không đơn giản.

Theo VTV, Cổng TTĐT Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,918

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079