Cho hưởng án treo phải đúng luật
Đánh giá về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về kinh tế, tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho hay đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó đã khởi tố, bắt giam Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cũng đã khởi tố, bắt giam Đỗ Quốc Khánh - nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Falcon về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết thêm ngành tòa án đang đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. “Việc cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ phải đúng quy định của pháp luật, nhất là các bị cáo phạm các tội về kinh tế, tham nhũng” - ông Bình nói.
Không hướng dẫn thì khó xử nghiêm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, để xử lý nghiêm tham nhũng, giảm án treo thì phải có giải pháp cụ thể. Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật bổ sung: “Để xử lý nghiêm, hạn chế xử treo án tham nhũng thì TAND Tối cao, VKSND Tối cao phải có hướng dẫn trong ngành mình, chứ không có hướng dẫn thì khó nghiêm khắc với loại tội phạm này”.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết từ 15-12-2012 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện gần 5.000 vụ phạm tội. Ảnh: TV
Trước những băn khoăn trên, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh trách nhiệm cấp dưới nếu làm không đúng. “Việc đình chỉ án, trong đó có án tham nhũng, việc miễn trách nhiệm hình sự với căn cứ hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa, thời gian tới VKSND Tối cao sẽ ra văn bản hướng dẫn áp dụng. Việc này cũng sẽ chống lọt tội phạm trong một khâu rất quan trọng” - ông Phong cho hay.
Xử lý cả thanh tra
Ở khía cạnh khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm nhất trong việc thực hiện Luật PCTN sửa đổi chính là hiệu quả. Tuy nhiên, qua các giải pháp mà Thanh tra Chính phủ báo cáo tại hội nghị này thì thấy thiếu sự quyết tâm của ngành thanh tra. “Vụ Vinashin, Vinalines… nhiều đoàn vào thanh tra, kiểm toán vào nhưng không phát hiện sai phạm. Do đó, Thanh tra Chính phủ cần phải có chỉ thị yêu cầu tăng trách nhiệm của lực lượng thanh tra. Nếu đoàn thanh tra nào vào cuộc nhưng không phát hiện ra vi phạm mà sau đó, đơn vị khác vào lại phát hiện thì đoàn thanh tra trước phải bị xử lý” - ông Quyền kiến nghị.
Theo Luật PCTN sửa đổi, tới đây Ban Nội chính Trung ương sẽ đảm nhận vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN với chức năng tham mưu. Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho biết đề án kiện toàn nhân sự của Ban Nội chính Trung ương hiện vẫn đang chờ phê duyệt. “Về nguyên tắc, khi luật có hiệu lực vào đầu tháng 2 tới thì Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nhưng cơ quan thường trực, tham mưu là Ban Nội chính chúng tôi sẽ phải chờ đến khi nào đề án được Ban Bí thư phê duyệt mới hoạt động được” - ông Tuấn cho hay.
Thành Văn
Theo Pháp luật TP