Báo cáo mới của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong giáo dục không chỉ để trẻ em được đến trường hay để đạt tỉ lệ biết chữ và hoàn thành các mục tiêu phát triển khác, mà còn để đảm bảo rằng các thế hệ tiếp theo được chuẩn bị để nói không với tham nhũng.
Báo cáo “Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục” đề xuất các bước đi thiết thực để phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực, hối lộ và các giao dịch bí mật đang phá hỏng hệ thống giáo dục. Báo cáo kêu gọi Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, giới kinh doanh và xã hội dân sự đảm bảo tăng cường quản trị tốt trong chính sách giáo dục trên toàn thế giới.
“Để trường học có thể giáo dục nên những thế hệ chống tham nhũng tương lai thì chính trường học trước tiên phải không có tham nhũng. Nếu không đạt được mức độ liêm chính cao, các trường phổ thông và đại học sẽ không thể tạo ra những nhà lãnh đạo tương lai với các công cụ căn bản và cần thiết để thành công, và quan trọng hơn là để đấu tranh chống tham nhũng,” bà Huguette Labelle, Chủ tịch TI nói. “Với gần 1/5 dân số thế giới trong độ tuổi từ 15 - 24, những người trẻ có tiềm năng ngăn chặn tham nhũng với vai trò là những công dân hôm nay và các nhà lãnh đạo mai sau”.
Việc thực hiện các biện pháp chống tham nhũng cơ bản như tiếp cận thông tin về chính sách giáo dục, áp dụng các bộ quy tắc ứng xử cho các nhà giáo dục, phụ huynh học sinh và học sinh tham gia vào công tác quản trị, xây dựng những hệ thống giám sát và giải trình trong giáo dục sẽ giúp đảm bảo mỗi đồng đô la, pê-sô hay ru-pi chi tiêu cho việc giáo dục con cái chúng ta sẽ được sử dụng đúng mục đích: Xây trường học, trả lương cho giáo viên và mua sách giáo khoa.
Tuy nhiên, tham nhũng đang hủy hoại uy tín của ngành Giáo dục ở nhiều quốc gia. Theo Phong Vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu 2013 của TI, cứ khoảng 5 người trên thế giới thì có 1 người đưa hối lộ cho dịch vụ giáo dục trong năm trước đó. Ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, con số này lên tới 1/3 (cứ 3 người lại có 1 người đưa hối lộ).
Báo cáo “Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục” cho thấy nhiều hình thức tham nhũng trong giáo dục, từ biển thủ công quỹ quốc gia dành cho giáo dục tới không công khai các chi phí trường học hay mua bán bằng giả.
Báo cáo cũng cho thấy trong tất cả các trường hợp, tham nhũng trong giáo dục cản trở nghiêm trọng giáo dục chất lượng cao cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. Nó đe dọa các ích lợi về học thuật của các trường đại học và có thể dẫn tới sự sụp đổ uy tín của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia.
Ở khía cạnh giải pháp, Báo cáo “Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục” nêu bật những cách tiếp cận mới trong đấu tranh chống tham nhũng trong giáo dục.
Để tham nhũng không trở nên phổ biến, thúc đẩy liêm chính trong thanh niên là điều thiết yếu để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Từ Chi-lê tới Mô-rốc-cô hay Thái Lan, nhiều văn phòng quốc gia của TI đã chứng tỏ rằng việc xây dựng chương trình lồng ghép các sáng kiến phòng, chống tham nhũng vào nội dung giảng dạy ở nhà trường và các hoạt động trong lớp học là yếu tố hết sức quan trọng để có thể giúp ngăn ngừa tham nhũng trong giáo dục.
Được biết, Báo cáo “Tham nhũng Toàn cầu: Giáo dục” dày 442 trang gồm 5 phần với các phân tích và khuyến nghị của 70 chuyên gia từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Các phần này bao gồm: Xu hướng tham nhũng trong giáo dục trên toàn cầu. Tìm hiểu mức độ tham nhũng trong giáo dục phổ thông. Minh bạch và liêm chính trong giáo dục đại học. Các phương pháp tiếp cận sáng tạo chống tham nhũng trong giáo dục. Vai trò của giáo dục trong tăng cường liêm chính cá nhân và liêm chính nghề nghiệp.
TCTT