Đoàn Luật sư là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn Luật sư

23/06/2023 15:37 PM

Tôi muốn hỏi Đoàn luật sư là gì? Đoàn Luật sư có những nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? - Trung Kiên (Kiên Giang)

Đoàn Luật sư là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn Luật sư

Đoàn Luật sư là gì? Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn Luật sư (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đoàn Luật sư là gì?

Đoàn Luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở.

Tên của Đoàn Luật sư bao gồm cụm từ Đoàn Luật sư tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) và tên tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) nơi Đoàn Luật sư được thành lập.

Ngoài ra, Đoàn Luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, có các quyền, nghĩa vụ thành viên Liên đoàn, được Liên đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chịu sự hướng dẫn, giám sát của Liên đoàn theo quy định của Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sự Việt Nam.

(Khoản 1, 5 Điều 17 Điều lệ Liên đoàn Luật sự Việt Nam 2022)

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn Luật sư

Cụ thể tại Điều 19 Điều lệ Liên đoàn Luật sự Việt Nam 2022 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn Luật sư như sau:

- Các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 61 của Luật Luật sư, cụ thể:

+ Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.

+ Thực hiện rà soát, đánh giá hàng năm chất lượng đội ngũ luật sư; giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát luật sư là thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; xử lý kỷ luật đối với luật sư.

+ Giám sát, phối hợp với Đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

+ Cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư và giám sát người tập sự hành nghề luật sư; lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.

+ Nhận hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gửi Sở Tư pháp; đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

+ Tổ chức đăng ký việc gia nhập Đoàn luật sư, tổ chức việc chuyển, tiếp nhận luật sư; đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư.

+ Thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư.

+ Giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư.

+ Hòa giải tranh chấp giữa người tập sự hành nghề luật sư, luật sư với tổ chức hành nghề luật sư; giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

+ Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư.

+ Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư.

+ Quy định về mức phí gia nhập Đoàn luật sư, phí tập sự hành nghề luật sư trên cơ sở khung phí do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành.

+ Báo cáo Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật.

+ Thực hiện nghị quyết, quyết định, quy định của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

+ Tổ chức để các luật sư tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện trợ giúp pháp lý.

+ Báo cáo Liên đoàn luật sư Việt Nam về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, kết quả Đại hội; gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam nghị quyết, quyết định, nội quy, quy định của Đoàn luật sư theo quy định của Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam hoặc khi được yêu cầu.

+ Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tổ chức và hoạt động, kết quả Đại hội; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu; gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn luật sư.

+ Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư thành viên trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.

- Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Bầu luật sư tham dự Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc; giới thiệu luật sư vào danh sách ứng cử viên bầu vào các cơ quan và các chức danh lãnh đạo, quản lý, điều hành của Liên đoàn.

- Thực hiện nghị quyết, quyết định, quy định, hướng dẫn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; tham gia các hoạt động của Liên đoàn; đề xuất ý kiến, kiến nghị về việc củng cố, phát triển tổ chức, hoạt động của Liên đoàn.

- Được Liên đoàn hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

- Đoàn kết, hợp tác với các Đoàn Luật sư khác để thực hiện tôn chỉ, mục đích của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Ban hành nghị quyết, quyết định, nội quy, quy định về phí, khoản thu và các quy định khác không được trái với quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chia sẻ bài viết lên facebook 26,629

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079