Biển Đông: Trung Quốc đang ngược chiều gió?

12/07/2012 13:42 PM

- Trước thềm hội nghị cấp cao tại Campuchia, trong khi 10 nước Hiệp hội Đông Nam Á thảo luận về việc hình thành lập trường thống nhất đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông thì Trung Quốc khăng khăng khẳng định, tranh chấp chỉ nên giải quyết trực tiếp giữa các bên bất đồng trong tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này.


Tàu Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: wordpress

Bác bỏ đa phương

Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia ASEAN rằng, họ sẽ chống lại việc “thổi phồng” tranh chấp ở Biển Đông và rằng họ không muốn đem tranh chấp ra trước diễn đàn an ninh khu vực. "Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, nó là vấn đề giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN”, người phát ngôn Trung Quốc Lưu Vị Dân nói với báo giới.

Ông này còn tuyên bố: "Thổi phồng vấn đề Biển Đông là đi ngược lại nguyện vọng chung của nhân dân và những xu hướng chính trong thời điểm này là tìm kiếm phát triển và hợp tác”. Theo người phát ngôn họ Lưu, Bắc Kinh không muốn đề cập tới vấn đề này khi các ngoại trưởng ASEAN gặp gỡ những người đồng cấp đến từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác tại Diễn đàn khu vực ASEAN bắt đầu ở Phnom Penh vào ngày mai.

Ông Lưu cho rằng cuộc gặp các ngoại trưởng tại Diễn đàn khu vực ASEAN là một nền tảng quan trọng để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và tăng cường hợp tác, diễn đàn không phải là nơi thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông.

Cho tới thời điểm này, Bắc Kinh vẫn luôn phản đối “đa phương hoá” vấn đề Biển Đông. Trung Quốc thiên về thương thảo song phương với từng nước tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này - một chọn lựa mà giới phân tích cho rằng, đó là chiến lược “chia để trị” bởi Trung Quốc sẽ có ưu thế hơn trong những cuộc hội đàm mặt đối mặt với từng nước láng giềng nhỏ hơn ở Đông Nam Á.

Ông Pavin Chachavalpongpun, phó giáo sư Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto nói rằng, các thành viên ASEAN không tán thành ý tưởng giải quyết tranh chấp qua con đường song phương. “Đó là vì họ cảm thấy họ sẽ không đủ lợi thế thương lượng với một Trung Quốc lớn hơn”.

Bắc Kinh đưa ra khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông - vùng biển với những lộ trình vận chuyển quan trọng hàng đầu thế giới và được tin là rất giàu trầm tích dầu khí. Ranh giới mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền, thậm chí còn lượn sát đường bờ biển của nước khác.

Khẳng định COC không để giải quyết tranh chấp

Hiện tại, Philippines đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy ASEAN đoàn kết thống nhất để thuyết phục Trung Quốc chấp thuận một bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Một số quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Bắc Kinh hy vọng rằng, COC là một phương tiện giúp tháo gỡ các căng thẳng và xung đột hiện nay trong khu vực.

Tuy nhiên, ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại quả quyết rằng văn kiện này - sau khi hoàn tất - sẽ không được sử dụng để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền giữa các bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân nói: “Khi nào các điều kiện chín muồi, Trung Quốc muốn thảo luận với các quốc gia ASEAN về việc hình thành COC. Tôi muốn nhấn mạnh rằng COC không phải nhằm giải quyết các tranh cãi, mà là để xây dựng niềm tin với nhau và thắt chặt hợp tác”.

Tranh cãi về UNCLOS

Theo một văn kiện dự thảo đưa ra hôm 10/7, các nước Đông Nam Á mong muốn một công ước hàng hải của LHQ sẽ là nền tảng để giải quyết cạnh tranh chủ quyền ở Biển Đông. Tài liệu này đã phác thảo quan điểm của ASEAN, kêu gọi tất cả các bên “cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS".

UNCLOS là Công ước LHQ về Luật biển - một công ước quốc tế đưa ra các giới hạn về vùng biển lân cận mà một quốc gia có thể xem là lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế của họ. 

Văn kiện dự thảo của ASEAN về bộ quy tắc ứng xử đề xuất tất cả các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp đầu tiên là theo khuôn khổ Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, trong đó nghiêm cấm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nếu không thành công, các bên có thể tìm đến “cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS", theo tài liệu dự thảo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, dù Trung Quốc đã ký kết UNCLOS, nhưng khi đưa ra yêu sách chủ quyền gần như bao trùm Biển Đông thì Trung Quốc sẽ “gặp khó” nếu đối chiếu theo những quy định của công ước này.

Lấy ví dụ trường hợp vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines kéo dài hơn hai tháng qua. Theo quy định của UNCLOS, khu vực biển nằm cách bờ biển của một nước trong vòng 200 hải lý (370km) là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Các nước có quyền khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km (tức là trong phạm vi 200 hải lý được quy định trong UNCLOS). Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.

Hay như trường hợp CNOOC (Tập đoàn dầu khí của Trung Quốc) mới tuyên bố chào thầu 9 lô dầu khí nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Petrovietnam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay. Hành động này hoàn toàn sai trái theo quy định của UNCLOS.

Vào cuối tháng 5, khi bày tỏ ý định tham gia UNCLOS của Mỹ, Ngoại trưởng Hillary nói rằng, Trung Quốc đang đòi chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông vượt quá những quy định được đưa ra trong UNCLOS. Trung Quốc thì nghi ngờ ý định tham gia công ước của Mỹ và không quên khẳng định, bản thân UNCLOS không thể giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực“.

Lựa chọn Mỹ, Nhật

Trong khi Trung Quốc cảnh báo các nước tránh đề cập tới tranh chấp lãnh thổ tại diễn đàn khu vực, thì Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại kêu gọi đàm phán về vấn đề này.

Hôm 10/7, bà Clinton cho biết, Mỹ sẽ nêu ra những quan tâm về tình hình Biển Đông trong cuộc gặp tại Phnom Penh có sự tham dự của đại diện 26 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương và EU. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, tranh chấp chủ quyền ở vùng biển là một “vấn đề quan trọng”.

Trong khi đó, hãng Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay, Nhật có kế hoạch tổ chức một hội nghị cấp cao với ASEAN vào cuối năm tới để tăng cường hợp tác an ninh hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh hải quân ở châu Á.

Thái An

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,020

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079