Trung Quốc bất cần phải trái?

15/12/2012 17:41 PM

Khu vực và Washington lo ngại các tranh chấp liên quan đến biển đang sôi sục giữa các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục leo thang.

Theo một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, từ trước tới nay, một số nước ASEAN cho rằng Trung Quốc không muốn có xung đột liên tiếp tại hai mặt trận biển: biển Hoa Đông với Nhật Bản và biển Đông với các nước khác. Nhưng với việc tỉnh đảo Hải Namvừa thông qua các quy định cho phép chặn và kiểm tra mọi tàu bè qua lại trên biển Đông, thì giả định này giờ không còn đúng nữa.

Các quy định mới mà một tỉnh của Trung Quốc vừa thông báo, theo đó cho phép chặn và kiểm tra mọi tàu bè qua lại trên biển Đông, đang làm dấy lên lo ngại trong khu vực, và tại Washington, rằng các tranh chấp liên quan đến biển đang sôi sục giữa các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục leo thang.

Động thái của tỉnh đảo Hải Nam, cùng với những yêu sách của chính quyền Trung Quốc trên biển Đông, được một số chuyên gia nước ngoài xem là một bước đi mới trong nỗ lực của nước này nhằm củng cố các yêu sách của mình đối với một phần diện tích quá lớn trên biển, bao gồm cả các hải trình quốc tế quan trọng mà hơn 1/3 thương mại toàn cầu được vận chuyển qua đây.

Trong khi các chính phủ nước ngoài thi nhau làm rõ các quy định trên, vốn rất mập mờ và gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, một nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến biển Đông đã cố làm dịu những lo ngại do thông báo này gây ra.

Tổng giám đốc Văn phòng Đối ngoại của tỉnh Hải Nam, ông Wu Shicun, cho biết tàu bè Trung Quốc sẽ được phép tìm kiếm và cản trở các tàu nước ngoài chỉ khi các tàu này liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp (dù ông không nói rõ đó là gì) và chỉ khi các tàu này nằm trong vùng biển rộng 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền, bao gồm cả các đảo mà một số nước khác, trong đó có Việt Nam và Philippines, cũng tuyên bố chủ quyền.


Các quy định trên được cơ quan lập pháp tỉnh Hải Nam thông qua chỉ chưa đầy một tháng sau khi Trung Quốc bầu chọn lãnh đạo mới là ông Tập Cận Bình, và giữa lúc nước này đang vướng vào một tranh chấp nghiêm trọng với Nhật Bản trên biển Hoa Đông liên quan đến quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Các quy định này dường như không liên quan trực tiếp tới ông Tập Cận Bình, nhưng chúng làm gia tăng những lo ngại rằng Trung Quốc, giờ đã có trong tay hàng không mẫu hạm của riêng mình và một lực lượng hải quân ngày một lớn mạnh, đang lao về phía trước với các kế hoạch nhằm củng cố yêu sách rằng họ có quyền chủ quyền đối với hầu hết diện tích biển Đông, bao gồm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ mà nhiều quốc gia khác cũng đòi chủ quyền.

Và các quan chức cấp cao Trung Quốc vẫn chưa nói rõ ý định của mình, để ngỏ cánh cửa cho những lời đồn đoán.

Theo các chuyên gia về hàng hải, nếu Trung Quốc thực thi các quy định mới này thực sự trong vùng biển rộng 12 hải lý, thì quyền tự do hàng hải sẽ bị ảnh hưởng, quyền mà không chỉ Mỹ và các cường quốc phương Tây khác mà chính Trung Quốc - một nhà nhập khẩu dầu lớn từ Trung Đông - được hưởng lợi.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Wu cho biết các quy định mới áp dụng đối với toàn bộ hàng trăm hòn đảo trên khắp biển Đông, và các vùng nước liền kề, nơi mà ông gọi là "nằm bên trong đường 9 đoạn và các vùng nước liền kề". Đường 9 đoạn này là một bản đồ mà Trung Quốc vẽ ra cuối những năm 1940 nhằm mô phỏng yêu sách lãnh thổ của mình - bao bọc khoảng 80% diện tích biển Đông, nơi được cho là có chứa lượng dầu và khí tự nhiên khổng lồ dưới đáy biển.

Bản đồ trên đã được Trung Quốc dùng làm nền tảng các yêu sách hiện nay của họ. Một số nước láng giềng cũng đã phản ứng tức giận khi gần đây Trung Quốc còn đưa tấm bản đồ này vào hộ chiếu điện tử mới của mình.

Ông Wu, cũng là người đứng đầu một viện nghiên cứu về biển Đông do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, cho biết ý định của các quy định mới là đối phó với cái mà ông gọi là các tàu cá bất hợp pháp của Việt Nam đang hoạt động xung quanh đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc vừa dựng một doanh trại quân đội mở rộng.

Hòn đảo này có một sân bay dài và được thế giới biết đến là một phần của quần đảo Hoàng Sa (mà Việt Namtuyên bố chủ quyền). Các nước láng giềng cho rằng Trung Quốc đang sử dụng đảo Phú Lâm như một kiểu hiện diện trong nỗ lực giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với biển Đông.

Các quy định mới nói trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Theo một bài báo trên tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc, viết bằng tiếng Anh, cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ được phép lên boong khám xét và kiểm soát bất cứ tàu nước ngoài nào "xâm phạm bất hợp pháp" các vùng biển của Trung Quốc và ra lệnh cho các tàu này đổi hải trình.

Ông Wu thừa nhận rằng các quy định mới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại châu Á, và Mỹ, vì chúng có thể bị hiểu là một sự thâu tóm quyền lực của Trung Quốc. Ông nói: "Các nước láng giềng và các nước ngoài khu vực có một nỗi lo lắng lớn là Trung Quốc đang đi quá nhanh, và họ thấy là có thể Trung Quốc sẽ chiếm các đảo này bằng vũ lực". Ông cho rằng Trung Quốc cần thuyết phục các nước láng giềng là mọi chuyện không phải như vậy. Theo ông, quan trọng là các nước phải tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực trên biển.

Philippines, một đồng minh của Mỹ và một trong những nước chỉ trích mạnh nhất các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông, đã phản ứng mạnh mẽ trước các quy định mới trên. Trong một tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: "Hành động đã được lên kế hoạch này của Trung Quốc là bấp hợp pháp và sẽ càng khiến Philippines tiếp tục nhắc lại tuyên bố rằng yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền không thể tranh cãi đối với gần hết biển Đông không chỉ là một yêu sách thái quá mà còn là một mối đe dọa đối với tất cả các nước khác".

Một chuyên gia của Mỹ về biển Đông, ông Taylor Fravel cho rằng để xua tan sự mất tinh thần liên quan đến các quy định mới, Trung Quốc cần giải thích thêm. Ông Fravel, một giáo sư khoa chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết Mỹ và các nước châu Á có thể đang phản ứng thái quá về quy định này. Ông nói: "Quy định trên không phải do Bắc Kinh thông qua".

Ông Fravel cho biết thêm: "Mỹ sẽ tìm cách làm rõ với Trung Quốc ý định của các quy định trên và liệu chúng có được sử dụng ở bên trong và xung quanh các đảo đang tranh chấp hay không, bởi nếu vậy thì đây là một động thái có thể rõ ràng làm leo thang căng thẳng".

Trong một nỗ lực nhằm tránh tình hình căng thẳng thêm, chính quyền Obama chỉ chỉ trích một cách không trực diện vào hành động của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Peter P. Velasco nói: "Tất cả các bên liên quan nên tránh các hành động khiêu khích đơn phương làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại triển vọng tìm một giải pháp ngoại giao hoặc hòa bình".

Tại một hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo châu Á ở Phnom Penh vừa qua, Tổng thống Obama đã đưa vấn đề biển Đông với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ông Obama đã đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, và đảm bảo tự do hàng hải. Nhưng theo chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cách tiếp cận nhẹ nhàng này sẽ không có hiệu quả. Bà cho rằng Mỹ chưa có một chiến lược cụ thể.

Bà nói Trung Quốc tin rằng họ có thể vượt trội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), những nước vốn chưa tìm ra được con đường chung để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Bà nhận định: "Tại ASEAN, người ta không sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc, các nước này đang chia rẽ".

Bà Glaser nhấn mạnh: đến nay, một số nước ASEAN tin rằng Trung Quốc không muốn có xung đột liên tiếp tại hai mặt trận biển: biển Hoa Đông với Nhật Bản và biển Đông với các nước khác. Nhưng với việc tỉnh đảo Hải Namthông qua các quy định trên, giả định này giờ không còn đúng nữa./.

CHÂU GIANG

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,681

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079