Ba bên cãi nhau về 2 tấn bạch tuộc thối

06/06/2013 08:53 AM

(Vef) - Tại sao Công an tỉnh Hải Dương sau khi trả giấy tờ xe lại yêu cầu lái xe đánh hàng quay lại, làm các thủ tục kiểm dịch, trong khi theo Bộ NN-PTNT, nếu là hàng thương phẩm trong vùng không công bố dịch thì không phải kiểm dịch?

Chủ hàng cho rằng phía Công an tỉnh Hải Dương phải chịu trách nhiệm và phải đền bù khi 2 tấn bạch tuộc bị phân hủy, hư hỏng, nhưng Công an tỉnh Hải Dương lại khẳng định họ không phải bồi thường.

Bắt đền công an 2 tấn bạch tuộc

Theo thông tin báo chí đã đưa, ngày 27/5, Công an tỉnh Hải Dương đã tạm giữ lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống được vận chuyển từ TP.HCM ra Quảng Ninh tiêu thụ với lý do không có giấy chứng nhận kiểm dịch khiến toàn bộ lô hàng này bị phân hủy dẫn đến hư hỏng.

Chiều ngày 29/5, đại diện của các chủ hàng ở TP.HCM đã đến trụ sở Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh Hải Dương bắt đền lô hàng bạch tuộc tươi sống hơn 2 tấn, trị giá gần 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, ngày 2/6 ông Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương, cho biết sau cuộc họp liên ngành để bàn việc tạm giữ hơn 2 tấn bạch tuộc dẫn đến hư hỏng, đoàn liên ngành đã kết luận việc công an môi trường tỉnh mời ông Nguyễn Quang Hưng, lái xe tải, chở hơn 2 tấn bạch tuộc về cơ quan để xác minh nguồn gốc hàng, kiểm tra xem lô hàng có giấy kiểm dịch chưa là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, về trách nhiệm của công an khi giữ hàng mà không có biện pháp bảo quản dẫn đến hư hỏng, ông Thái cho hay Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương đã kiểm tra lại quy trình làm việc.


Ông khẳng định rằng công an môi trường tiếp nhận hàng và xe từ công an giao thông, đưa về để kiểm tra chứ không giữ xe và không giữ hàng. Làm việc khoảng hai giờ, đến 1h15’ ngày 28/5, công an đã có văn bản trả xe và yêu cầu lái xe đánh hàng quay lại, làm các thủ tục kiểm dịch.

“Chúng tôi giao lái xe nhưng lái xe không chịu nhận. Lúc 1h15’ công an đã có hai văn bản giao xe, giao hàng, một biên bản yêu cầu lái xe đi kiểm dịch nhưng lái xe không chịu nhận nên việc để hàng hư hỏng là trách nhiệm của lái xe” ông Thái nói.

Trả lời báo Tuổi trẻ, đại tá Phạm Văn Loan (Phó Giám đốc phụ trách Công an tỉnh Hải Dương) cũng khẳng định phía công an không có trách nhiệm với chủ hàng vì hoàn toàn không giữ, không làm gì sai pháp luật.

“Chúng tôi yêu cầu kiểm định theo đúng quy định của pháp luật là hàng thủy sản, bạch tuộc trong Thông tư 32 (quy định danh mục đối tượng kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản; danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch) bắt buộc phải kiểm dịch. Nhưng họ không kiểm dịch mà lại trốn. Tại họ không kiểm dịch mà khóa xe lại, bỏ đấy vứt đi nên hàng bị hỏng”, ông lý giải.

Các chủ hàng bức xúc, trong trường hợp vụ việc không được làm sáng tỏ, không nhận được bồi thường chính đáng, họ sẽ đưa vụ việc ra tòa án.

Không có quyền bắt giữ nếu là hàng thương phẩm

Xung quanh việc Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ hai tấn bạch tuộc tươi sống dẫn đến toàn bộ lô hàng này bị phân hủy và bốc mùi, chiều ngày 4/6, trả lời báo chí, ông Đỗ Huy Long, Phó phòng Thanh tra, pháp chế - Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Nếu là sản phẩm thủy sản thương phẩm lưu thông trong nước và không ở vùng có dịch bệnh, thì cơ quan chức năng không thể bắt giữ lô hàng này được”.


Chiếc xe bị bắt giữ chở 2 tấn bạch tuộc đã bị hỏng (ảnh Dân trí)

Ông Long dẫn chứng, theo quy định của pháp luật về thú y tại Nghị định số 33 của Chính phủ và Thông tư 06 ngày 20/2/2010 hướng dẫn của Bộ NN-PTNT trình tự, thủy tục kiểm định thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường hợp: thủy sản giống; thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó của cơ quan có thầm quyền.

Trả lời câu khỏi của PV khi đề cập tới vấn đề hiện nay TP.HCM có dịch bệnh trên bạch tuộc hay không, ông Long khẳng định rằng Cục Thú y đã liên hệ với Chi cục Thú y TP.HCM hiện không có dịch bệnh trên bạch tuộc trên địa bàn huyện Cần Giờ.

"Chúng ta cứ chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện. Phải qua kiểm dịch nếu là giống thủy sản và thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản được đưa ra từ vùng dịch. Còn những trường hợp khác thì đương nhiên loại trừ", ông nói.

Cũng theo ông Long, hiện giờ chưa thể khẳng định lô hàng này là từ TP.HCM hay là hàng nhập lậu và chưa thể khẳng định được lô hàng này là thủy sản thương phẩm hay thủy sản giống. Việc ai đúng ai sai còn phải dựa vào hồ sơ vụ việc.

Song ông Long cũng khẳng định, trong trường hợp bình thường, không thuộc hai đối tượng phải kiểm dịch đã nêu ở trên thì có thể vận chuyển bình thường mà không cần giấy tờ gì cả. Tuy nhiên, “nếu là sản phẩm thủy sản thương phẩm lưu thông trong nước và không ở vùng có dịch bệnh, thì cơ quan chức năng không thể bắt giữ lô hàng này được”.

Nhìn nhận về vấn đề trong vụ việc tạm giữ hơn 2 tấn bạch tuộc của Công an tỉnh Hải Dương vừa qua, ông Long cho biết, đối với Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, họ có quyền nghi ngờ đây là hàng nhập lậu và có quyền giữ xe lại để xem xét tùy theo quy định. Nếu là thủy sản giống; thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra từ vùng dịch thì yêu cầu phải có giấy kiểm dịch. Còn nếu không thuộc hai đối tượng này thì lực lượng công an có thể giải phóng cho hàng đi.

Bảo Hân

Các văn bản có mâu thuẫn?

Theo Thông tư 32/2012/TT-BNNPTNT ngày 20/7/2012 của Bộ NN-PTNT, trong danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch có bao gồm các động vật thân mềm như: Mực, bạch tuộc, ốc, trai, nghêu (ngao), sò, hầu và các loài thân mềm sống dưới nước khác.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thú y tại Khoản 3 Điều 29, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh thú y thì: Động vật thương phẩm, sản phẩm động vật phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường đang xảy ra dịch bệnh tại vùng đó.

Và tại Điều 3, Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, ngày 20/2/2010 của Bộ NN-PTNT, quy định trình tự, thủy tục kiểm định thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường hợp: Thủy sản giống; thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó của cơ quan có thầm quyền.

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,136

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079