Có phép không được nghỉ

17/03/2016 10:47 AM

Phép năm là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động nhưng trong thực tế, muốn nghỉ không dễ

Theo quy định, trong điều kiện làm việc bình thường, hằng năm, người lao động (NLĐ) có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ 12 ngày, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Thế nhưng, một số doanh nghiệp đã “đẻ” ra các quy định ngặt nghèo nhằm hạn chế việc nghỉ phép năm của NLĐ khiến họ có phép mà không được nghỉ hoặc không dám sử dụng.

Nghỉ phép thì mất thưởng

Tại Công ty P.C (tỉnh Đồng Nai), các khoản trợ cấp hằng tháng và tiền thưởng cuối năm của công nhân (CN) căn cứ vào xếp loại lao động A, B, C. Song việc xếp loại A, B, C lại dựa vào tình trạng nghỉ phép năm của NLĐ. Cụ thể, CN nào nghỉ không phép 1 ngày sẽ bị trừ 13 điểm, nghỉ có phép cũng bị trừ 3 điểm. Trường hợp bị trừ 13 điểm thì bắt buộc phải xếp loại C. Khi bị xếp loại C thì cuối tháng hay cuối năm sẽ bị cắt hết các khoản trợ cấp và tiền thưởng. CN tên Hà bức xúc: “Trong hợp đồng lao động có ghi rõ mỗi năm, chúng tôi được nghỉ 12 ngày phép năm, hưởng nguyên lương. Số ngày phép này, chúng tôi chỉ dám sử dụng những khi quá mệt mỏi, con cái ốm đau hoặc gia đình có chuyện đột xuất. Ấy vậy mà đôi khi còn không đủ dùng, phải nghỉ không hưởng lương. Song, với cách tính điểm như trên thì ngày nghỉ phép “an toàn” của chúng tôi bị rút ngắn chỉ còn 4 ngày”.

nghỉ phép

Được sử dụng ngày nghỉ hằng năm để tái tạo sức lao động hay dùng khi cần thiết là mong mỏi của người lao động

Không chỉ Công ty P.C tự đặt ra chính sách thưởng, phạt dựa vào ngày phép năm, Công ty S.G (quận 8, TP HCM) cũng xây dựng chính sách tương tự. Quy chế thưởng của doanh nghiệp không được công bố đầu năm mà chỉ đến cận kề ngày phát thưởng CN mới biết. Theo đó, bên cạnh tiêu chíhoàn thành công việc được đánh giá xếp loại A, CN phải bảo đảm số ngày nghỉ phép trong năm dưới 6 ngày thì mới đạt được mức thưởng tối đa. Anh P., một CN, nói: “Công ty quy định thời gian nghỉ phép được tính đến cuối quý I hằng năm, nếu ai không nghỉ thì coi như mất, không được thanh toán tiền. Tuy nhiên, số ngày nghỉ phép để tính thưởng lại được công ty cộng dồn cả phép năm 2014 (nghỉ trong quý I/2015) và năm 2015 nên có một số CN chỉ mới nghỉ hết phép tồn của năm 2014, chưa sử dụng ngày phép nào của năm 2015 mà vẫn bị trừ thưởng”.

Phải nhận tiền thay nghỉ phép

Cũng lâm vào tình cảnh có phép mà không dám nghỉ là CN Công ty S.K (huyện Hóc Môn, TP HCM). CN cho biết khi bị bệnh hoặc có việc đột xuất muốn nghỉ thì dù còn ngày phép và nghỉ có xin phép, họ vẫn bị trừ lương. Cụ thể, nếu CN nghỉ 3 ngày có phép trong tháng thì sẽ bị công ty trừ 4 ngày lương, còn cứ nghỉ không phép 1 ngày sẽ bị trừ 2 ngày lương. Mới đây, công ty còn ra quy định không giải quyết phép năm cho CN mà cuối năm sẽ thanh toán bằng tiền. Chị N., một CN, bức xúc: “Việc có thêm khoản tiền phép thì ai chẳng muốn nhưng cái chúng tôi cần hơn là được tùy ý sử dụng ngày phép của mình để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động hoặc dùng những lúc cần thiết. Nếu cứ thực hiện theo chính sách của công ty thì nhà nước chẳng cần đặt ra luật lệ làm gì!”.

Trao đổi về vấn đề CN phản ánh, ông V.A, đại diện Công ty S.K, phân bua: “Công ty phải đặt ra quy định trừ lương nhằm hạn chế tình trạng CN nghỉ việc tùy tiện, không xin phép gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Sau đó, vì tình trạng trên vẫn không cải thiện nên công ty đã đề ra chính sách không giải quyết phép năm mà thanh toán bằng tiền. Tuy nhiên, do CN phản ứng gay gắt quá nên công ty buộc phải thay đổi chính sách, đó là vẫn giải quyết phép năm cho những trường hợp nghỉ có phép và có lý do chính đáng”.

Bị phạt tiền đến 15 triệu đồng

Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, người sử dụng lao động vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ - Tết sẽ bị phạt tiền theo các mức: Từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với vi phạm từ 1-10 NLĐ; từ 1-3 triệu đồng với vi phạm từ 11-50 NLĐ; từ 3-7 triệu đồng với vi phạm từ 51-100 NLĐ; từ 7-10 triệu đồng với vi phạm từ 101-300 NLĐ và từ 10-15 triệu đồng với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên. Quy định này nhằm bảo đảm quyền được nghỉ ngơi của NLĐ.

Hương Huyền

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,257

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079