Khi nào được kiểm tra chỗ ở công dân?

12/04/2016 08:48 AM

Liên quan vụ trung úy Nguyễn Văn Bắc, Công an phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội bị tố có hành vi không đúng mực khi đến kiểm tra hành chính nhà dân lúc nửa đêm, PV Tiền Phong trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Văn phòng luật sư Trường Lộc) về căn cứ pháp lý khi kiểm tra nơi cư trú của công dân.

trung uy bắc

Trung uý Bắc xuất hiện trong clip kiểm tra nhà dân lúc nửa đêm. Ảnh: Cắt từ clip

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Khoản 2, Điều 9, Nghị định 05/1999  của Chính phủ quy định: cán bộ, chiến sĩ CAND và công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra, kiểm soát CMND của công dân tại nơi công cộng hoặc phạm vi địa bàn quản lý. Ngoài ra, quyền kiểm tra cư trú của công an được quy định tại Khoản 4, Điều 26, Thông tư 35/2014 của Bộ Công an như sau: “CAND, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia”.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, hiện chưa có quy định và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cư trú về người kiểm tra phải chứng minh những giấy tờ gì khi yêu cầu kiểm tra nhà dân. Ngoài ra, tại Điều 26 Thông tư 35 của Bộ Công an chỉ quy định về hình thức kiểm tra, đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra cư trú, chưa quy định về quy trình kiểm tra hoặc cán bộ, người có thẩm quyền phải chứng minh có những giấy tờ gì.

Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 26 cũng quy định: Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Luật sư Tuấn cho rằng, theo điều khoản này thì công an, cảnh sát khu vực muốn kiểm tra định kỳ thì phải có thông báo, đột xuất thì phải có văn bản. “Nếu không có văn bản thì người dân có quyền không chấp hành việc cho kiểm tra cư trú” - luật sư Tuấn nói.

Xử phạt nếu công dân không chấp hành

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, trường hợp công an đi kiểm tra đúng quy định yêu cầu mà người dân không xuất trình sẽ căn cứ Nghị định 167/2013/NĐ–CP để xử phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.

Ngoài ra, có thể xử phạt hành vi không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đối với hành vi không xuất trình CMND, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng…

Xử lý hình sự nếu xâm phạm chỗ ở trái phép

Ở góc độ ngược lại, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Điều 124 BLHS năm 1999 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của công dân như sau: Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

luật sư nguyễn anh tuấn

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn.  Ảnh: MĐ

Điều 22 Hiến pháp 2013 cũng quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Tại Điều 8, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: Không ai được xâm phạm chỗ ở, việc khám xét chỗ ở khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của bộ luật này. Điều 140 bộ luật này quy định việc khám chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám chỗ ở cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.

Liên quan đến video clip chị T.A tố trung úy Nguyễn Văn Bắc có hành vi “nhổ nước bọt”, thượng tá Cao Văn Lộc – Phó trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết, Công an quận đã mời chị T.A lên làm việc và đang tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc.

Minh Đức

Theo Tiền phong

Chia sẻ bài viết lên facebook 18,030

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079