Lại nói về Luật Đầu tư

15/09/2016 17:11 PM

Cách đây hơn hai năm, vào thời điểm trước khi Chính phủ trình hai dự án Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp ra Quốc hội để cơ quan này biểu quyết thông qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có tổ chức một hội thảo lấy ý kiến lần cuối về hai dự án luật này. Tại hội thảo, có nhiều tiếng nói không ủng hộ Luật Đầu tư, thậm chí có chuyên gia đã tuyên bố bỏ ra ngoài khi bắt đầu phần thảo luận để tỏ thái độ mạnh mẽ phản đối việc ban hành luật này.

Dẫu vậy, Luật Đầu tư vẫn được Quốc hội thông qua vào tháng 7- 2014 và chính thức có hiệu lực một năm sau đó.

Nay, dù Luật Đầu tư được ban hành và đi vào thực thi chưa lâu nhưng khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng dự án một luật sửa nhiều luật (trong đó có Luật Đầu tư) để góp phần kiến tạo một môi trường kinh doanh tốt hơn, những người không đồng tình về sự cần thiết phải có Luật Đầu tư lại nhìn thấy cơ hội tiếp tục câu chuyện này.

Vậy có thực sự cần Luật Đầu tư?

Có thể nhập với Luật Doanh nghiệp?

Luật Đầu tư quy định bốn nhóm vấn đề sau đây: (i) ưu đãi, hỗ trợ, bảo đảm đầu tư cho nhà đầu tư; (ii) ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; (iii) quy trình, thủ tục xét duyệt, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án; và (iv) hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Đầu tiên, Luật Đầu tư đang có cách tiếp cận không chuẩn xác về bảo đảm, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, như thuế, đất đai, xuất nhập khẩu, không áp dụng cho các nhà đầu tư mà cho các doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập. Trong khi đó, Luật Đầu tư vẫn “hồn nhiên” quy định theo “định dạng” nhà đầu tư được hưởng ưu đãi A, hỗ trợ B.

Vậy tại sao lại không đưa các ưu đãi, hỗ trợ này về đúng chỗ của nó - Luật Doanh nghiệp - để phản ánh đúng đối tượng được hưởng các chính sách này - các doanh nghiệp. Hoặc nếu không, hoàn toàn có thể đưa các ưu đãi này trực tiếp vào các luật chuyên ngành như các luật về thuế, Luật Đất đai.

Câu chuyện ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh thu hút sự quan tâm của báo chí dư luận trong mấy năm vừa qua. Có thể nói chính nhờ các tranh luận này mà dự thảo Luật Đầu tư trước đây (và nay là Luật Đầu tư) cũng được “nổi tiếng” theo.

Tuy nhiên, danh mục các ngành nghề đầu tư, kinh doanh bị cấm hoặc có điều kiện đúng ra và hợp lý hơn phải quy định ở Luật Doanh nghiệp - đạo luật quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp.

Có lẽ, việc thiết kế danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư là hành động có chủ ý của những người soạn thảo để “cứu” dự án Luật Đầu tư vào thời điểm đó chứ không phải dựa trên các đánh giá khách quan về vị trí của chế định này trong hệ thống pháp luật. Nếu không có nó, Luật Đầu tư sẽ không còn nhiều nội dung mang tính thực chất (xem thêm chuyên mục Sự kiện & Vấn đề trên TBKTSG số ra ngày 28-7-2016).

Kế tiếp, những người soạn thảo luật đã bỏ qua những lời than vãn nhiều năm qua từ cộng đồng doanh nghiệp và thậm chí cả cơ quan nhà nước về sự bất cập trong việc duy trì hai chế độ cấp phép khác nhau giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực ra, hoàn toàn có thể thống nhất hai hệ thống cấp phép hiện nay làm một vì suy cho cùng đều là cấp phép thành lập doanh nghiệp, dù người thành lập là nhà đầu tư trong hay ngoài nước. Và vì vậy, không gì phù hợp hơn bằng việc đưa tất cả quy định về thành lập doanh nghiệp vào Luật Doanh nghiệp.

Cuối cùng, đầu tư ra nước ngoài là nhóm quy định đáng tồn tại nhất trong Luật Đầu tư vì nó là lĩnh vực riêng biệt và chưa có luật nào quy định. Nhưng nếu chỉ có quy định về vấn đề này thì Luật Đầu tư nên được đổi tên thành Luật Đầu tư ra nước ngoài.

Như vậy, hoàn toàn có thể đưa hầu hết nội dung của Luật Đầu tư vào Luật Doanh nghiệp và đồng thời có thể ban hành riêng Luật Đầu tư ra nước ngoài.

Làm phức tạp hệ thống pháp luật kinh doanh

Nhiều ý kiến cho rằng việc duy trì Luật Đầu tư dù không cần thiết nhưng cũng vô hại, không ảnh hưởng gì nhiều đến môi trường kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều quy định tiến bộ trong Luật Đầu tư và do đó chưa cần thiết phải “khai tử” luật này.

Ý kiến này có thể chưa nhìn vấn đề một cách thấu đáo.

Như đã phân tích ở trên, hai quy trình cấp phép khác biệt cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã gây rất nhiều lúng túng và nhầm lẫn cho các doanh nghiệp và ngay chính các cơ quan nhà nước.

Các hoạt động mua bán, chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều trường hợp cũng phát sinh các thủ tục, gặp các khó khăn không cần thiết trong quá trình cấp phép.

Không chỉ phức tạp ở giai đoạn cấp phép, khi triển khai hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng bị quản lý theo kiểu dự án, bên cạnh bị quản lý như một doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải nộp hàng loạt báo cáo liên quan đến tình hình triển khai dự án, điều mà doanh nghiệp trong nước không phải thực hiện.

Trong thực tế, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh hàng chục năm và hoạt động như một doanh nghiệp bình thường nhưng vẫn “đến hẹn lại lên” phải báo cáo tiến độ, tình hình triển khai dự án cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, sự có mặt của Luật Đầu tư khiến các nhà làm luật gặp lúng túng khi soạn thảo các luật chuyên ngành. Nhiều trường hợp có sự dẫn chiếu nhầm lẫn giữa các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và chủ đầu tư, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về giải thích và áp dụng pháp luật.

Tóm lại, Luật Đầu tư đang làm phức tạp hóa hệ thống pháp luật Việt Nam. Bỏ Luật Đầu tư là hướng tới sự đơn giản hóa luật pháp - vốn  là mục tiêu tối thượng cho việc cải tổ bất kỳ hệ thống pháp luật nào.

Rất khó để giải thích tại sao những người làm luật vẫn muốn giữ Luật Đầu tư. Có thể, như một thói quen lập pháp tại Việt Nam, một đạo luật khi được khai sinh thì được mặc định sẽ tồn tại dài lâu, nó chỉ bị thay thế, hoặc sửa đổi, bổ sung chứ người ta không bao giờ tính đến phương án hủy bỏ nó.

Hãy mạnh dạn tạo tiền lệ hủy bỏ một đạo luật và Luật Đầu tư dường như là lựa chọn phù hợp nhất để bắt đầu.

Ngô Việt Hòa

Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn

Chia sẻ bài viết lên facebook 11,618

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079