Trợ cấp thôi việc cho thời gian làm việc tại doanh nghiệp

04/10/2016 15:16 PM

Ông Phạm Quang Tình (Hà Nội) làm việc tại Công ty Sông Đà 11 từ năm 1987. Năm 2002, ông chuyển đến trường Dạy nghề Sông Đà. Năm 2010, ông Tình có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng trợ cấp thôi việc trong thời gian làm ở Trường.

Trường Dạy nghề Sông Đà cấp giấy giới thiệu đến Công ty Sông Đà 11 để giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho ông Tình. Công ty Sông Đà 11 đã tính tiền trợ cấp cho ông theo lương tối thiểu từ năm 2002 nhân với hệ số lương của ông Tình cũng từ năm 2002. Ông Tình hỏi, cách tính như vậy có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Phạm Quang Tình như sau:

Vào thời điểm năm 2010, chế độ trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 1994 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007); Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH.

Theo đó, việc trợ cấp thôi việc được thực hiện ở từng doanh nghiệp. Công thức tính trợ cấp thôi việc ở từng doanh nghiệp như sau:

Tiền trợ cấp thôi việc =Tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc x ½

Trong đó:

- Tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc (tính theo năm) được xác định theo Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ, trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ. Trường hợp, tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc có tháng lẻ (kể cả trường hợp người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên nhưng tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc dưới 12 tháng) thì được làm tròn như sau:

Từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng làm tròn thành 1/2 năm.

Từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng làm tròn thành 1 năm.

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Nếu sự việc đúng như ông Phạm Quang Tình phản ánh, ông có 2 giai đoạn làm việc với 2 người sử dụng lao động khác nhau. Từ năm 1987 đến năm 2002, làm việc tại Công ty Sông Đà 11. Từ năm 2002 đến năm 2010 làm việc tại Trường dạy nghề Sông Đà.

Theo các quy định viện dẫn nêu trên, Trường dạy nghề Sông Đà có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho ông Tình thời gian ông làm việc tại Trường từ năm 2002 đến năm 2010, trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2009 cho đến khi thôi việc.

Công ty Sông Đà 11 có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho ông Tình thời gian ông làm việc từ năm 1987 đến năm 2002.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Ông Tình chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty Sông Đà 11 để chuyển đến làm việc tại Trường dạy nghề Sông Đà vào năm 2002, Công ty Sông Đà 11 đã căn cứ vào tiền lương theo hợp đồng lao động (hệ số lương cấp bậc nhân với tiền lương tối thiểu chung) thời điểm năm 2002, lấy bình quân của tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty vào năm 2002 để tính trả trợ cấp thôi việc cho ông Tình là đúng quy định.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,681

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079