Ban hành thông tư gây bất lợi: phải bị chế tài

09/04/2017 10:23 AM

Việc Bộ Công an sẽ thu hồi biển số 80A, 80B gợi ý cho các bộ khác cũng cần rà soát lại quy trình xây dựng, ban hành văn bản dưới luật để tránh bị lạm dụng cho các lợi ích riêng.

Cớ sự “nhiều xe ùn ùn mang biển số 80” xảy ra từ việc thông tư 15/2014 của Bộ Công an đã mở rộng quyền đề xuất cho cục trưởng Cục CSGT.

Thế nào là “trường hợp khác”?

Theo thông tư này, bên cạnh các trường hợp được cấp biển số 80 như văn phòng và các ban của Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội... thì “xe hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các trường hợp khác được bộ trưởng Bộ Công an hoặc tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội phê duyệt trên cơ sở đề nghị của cục trưởng Cục CSGT”.

Từ chỗ quy định chung chung “các trường hợp khác” mà có nhiều trường hợp không rõ căn cứ vào các tiêu chí nào đã được cấp biển số 80. Thực tế cho thấy là có nhiều “đặc quyền đặc lợi” khi lưu thông trên đường.

Ngoài việc chỉ đạo Bộ Công an kiên quyết thu hồi biển số 80A, 80B, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu Bộ Công an khẩn trương sửa đổi thông tư số 15/2014 quy định về đăng ký xe.

Người mua nhà chung cư bị thiệt

Từ thông tư 15, có thể nhìn rộng ra một số văn bản quy phạm pháp luật khác hiện gây tác động xấu cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trước đây, để hướng dẫn thực hiện nghị định 71/2010, thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng quy định hai cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán chung cư là theo “tim tường” hoặc “thông thủy”.

Theo lý giải của bộ này, quy định như thế không trái với nghị định vì các bên có quyền chọn lựa và tính cách nào thì chi phí xây dựng đều được chủ đầu tư tính vào giá bán. Nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ giảm. Ngược lại, nếu tính diện tích sàn theo kích thước thông thủy thì đơn giá bán 1m2 sẽ tăng lên, nhưng tổng giá bán của hai trường hợp này đều không thay đổi.

Tuy nhiên để tạo tâm lý cho khách hàng là được mua rẻ, hầu hết chủ dự án đều xét theo “tim tường” (gồm diện tích cả cột và hộp kỹ thuật) để tính vào diện tích bán cho khách hàng. Với cách tính này, tiếng là đã được công nhận trên giấy tờ sở hữu nên ắt có quyền sử dụng riêng, nhưng thật ra người mua không được “đụng chạm” gì đến phần diện tích làm cột và hộp kỹ thuật.

Trong khi đó, theo quy định khác của Bộ Xây dựng thì chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng phí dựa trên diện tích sử dụng.

Sau khi bị nhiều người mua nhà chung cư phản ứng, Bộ Xây dựng đã hủy bỏ hai cách tính trên để chỉ duy trì cách tính duy nhất là theo “thông thủy”, tức sử dụng thật sự bao nhiêu thì được chính thức công nhận bấy nhiêu.

Không dễ được miễn thuế nhà, đất

Nếu hai thông tư nêu trên được đánh giá có thể làm lợi cho vài cá nhân thì một số văn bản dưới luật tuy giúp các cơ quan thuế dễ dàng thu thuế, nhưng lại khiến người dân “méo mặt”.

Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định nhà ở, đất ở duy nhất khi chuyển nhượng được miễn thuế. Luật nêu nghe đơn giản và dễ dàng vậy, nhưng đến khi có nghị định và thông tư hướng dẫn thì khó gấp nhiều lần.

Theo nghị định 65/2013 của Chính phủ và thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, người muốn được miễn thuế phải có thêm một loạt điều kiện mới bao gồm: phải có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 183 ngày; phải chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, quyền sử dụng đất ở...

Chưa kể so với nghị định 65/2013 thì thông tư 111/2013 còn siết diện được miễn thuế với quy định “nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai duy nhất không được miễn thuế khi chuyển nhượng”.

Cần có chế tài phù hợp

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các bộ gần như được toàn quyền ban hành thông tư để hướng dẫn những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Cụ thể là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền chỉ đạo việc xây dựng, ban hành thông tư. Trong việc soạn thảo thông tư, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì phối hợp với tổ chức pháp chế và các đơn vị có liên quan. Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thẩm định dự thảo thông tư trước khi trình bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Cái được của quy định này là sự kịp thời, chủ động của các bộ trong việc ban hành những hướng dẫn, điều chỉnh nhiều vấn đề trong lĩnh vực phụ trách. Song cái chưa được là vì để thuận tiện cho công tác quản lý của chính mình nên có thể dẫn đến chủ quan, không đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích.

Đáng lưu ý là chính các bộ chứ không phải Bộ Tư pháp phải cố gắng làm tốt vai trò “gác cửa”, để không chấp nhận những thông tư “được cho mình nhưng chưa được cho người khác” như thế. Phía Bộ Tư pháp tham gia khâu hậu kiểm thông qua việc giúp Chính phủ kiểm tra, xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ các văn bản pháp luật của bộ có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật và văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN

Theo Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,457

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079