Trịnh Xuân Thanh trước khi đầu thú đã bị cơ quan chức năng khởi tố về tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với hành vi này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, ông Thanh sẽ phải đối mặt mức án tử hình.
Cụ thể, theo tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, căn cứ vào Khoản 4, Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999 – Tội tham ô tài sản, chỉ cần chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ phải đối mặt mức án cao nhất: Tử hình.
Áp chiếu trường hợp của Trịnh Xuân Thanh cho thấy, tháng 9.2016, Cơ quan CSĐT (C46, Bộ Công an) đã khởi tố vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Theo đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác định ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, điều hành. Với tội danh Cố ý làm trái, ông Thanh có nguy cơ đối mặt mức án 20 năm tù.
Ở phần tội danh Tham ô tài sản, hồi tháng 3.2017, trong phiên xử lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở dự án Thanh Hà – Cienco 5, TAND cấp cao tại Hà Nội đã chính thức khởi tố Trịnh Xuân Thanh theo tội danh Tham ô tài sản, quyết định khởi tố được ký bởi thẩm phán Nguyễn Văn Sơn.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại toà, có đủ căn cứ xác định ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong, đại diện phần vốn góp của PVC tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương, với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông để hưởng khoản tiền chênh lệch giá 18 triệu đồng/m2.
Với tội danh Tham ô tài sản, theo tiến sĩ Lê Văn Thiệp, khi cơ quan chức năng chứng minh được ông Thanh tham ô từ đủ 500 triệu đồng, sẽ phải đối diện mức án tử hình theo pháp luật hiện hành.
Với tình huống đầu thú, tiến sĩ Lê Văn Thiệp cho rằng, đây được xem là tình tiết giảm nhẹ, tuy vậy, không đáng kể, bởi lẽ, ông Thanh đã bỏ trốn, đã bị truy nã và sau một khoảng thời gian dài mới trình diện cơ quan chức năng. Trước khi kết tội, tất nhiên ông Thanh sẽ được xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ, như gia đình có công, bản thân nhiều thành tích, đầu thú... Nhưng, có lẽ sẽ không thay đổi được nhiều, bởi những cáo buộc của cơ quan điều tra đối với ông này rất nghiêm trọng” – tiến sĩ Thiệp nói thêm.
Bảo Thắng
Theo Báo Lao động