Nên biết điều này trước khi đi Grab, Go-Viet, FastGo, Be

03/06/2019 08:28 AM

Sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ đã trở nên rất phổ biến, nhưng có bao nhiêu người từng đặt câu hỏi rằng: mình được bảo hiểm như thế nào trên từng cuốc xe đó?

Tai nạn giao thông là rủi ro không thể hoàn toàn tránh khỏi. Khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ (sau đây gọi tắt là “Khách hàng”) cần biết mình được bảo hiểm như thế nào để ứng biến phù hợp khi không may xảy ra tai nạn.

Grab

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Có 02 loại bảo hiểm tồn tại trên mỗi cuốc xe của Khách hàng: (i) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới; và, (ii) Bảo hiểm tai nạn mà đơn vị chủ quản ứng dụng đã mua.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới (sau đây gọi tắt là “TNDSBB”) là loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Chủ xe cơ giới, cụ thể là mỗi tài xế xe, có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm TNDSBB. Đơn vị chủ quản ứng dụng gọi xe không mua loại bảo hiểm này, vì họ không phải chủ sở hữu của các chiếc xe tham gia vào ứng dụng.

Đối với bảo hiểm TNDSBB, chủ xe chính là bên mua bảo hiểm, là người được bảo hiểm và cũng là người thụ hưởng. Nói một cách khác, Khách hàng không phải là người trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho mình, thay vào đó là yêu cầu chủ xe bồi thường.

Nguyên tắc là: Trong cuốc xe mà xảy ra tai nạn giao thông, Khách hàng có quyền yêu cầu tài xế xe bồi thường những thiệt hại về thân thể hoặc tính mạng cho mình; sau đó, tài xế xe sẽ yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường lại cho mình.

Bảo hiểm tai nạn do đơn vị chủ quản ứng dụng gọi xe đã mua là loại bảo hiểm tự nguyện (sau đây gọi tắt là “Bảo hiểm tai nạn”).

Theo tìm hiểu, đơn vị chủ quản của các ứng dụng gọi xe phổ biến hiện nay (như: Grab; Go-Viet; FastGo; Be) đều có mua bảo hiểm tai nạn cho Khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe của mình.

Đơn vị chủ quản ứng dụng là bên mua bảo hiểm, nhưng người được bảo hiểm và người thụ hưởng là Khách hàng. Hay nói một cách khác, Khách hàng trực tiếp yêu cầu và nhận bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm chứ không phải từ đơn vị chủ quản ứng dụng đó.

Nguyên tắc là: Trong cuốc xe mà xảy ra tai nạn giao thông, Khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm mà đơn vị chủ quản ứng dụng đã mua Bảo hiểm tai nạn bồi thường; đơn vị chủ quản ứng dụng chỉ đóng vai trò hỗ trợ Khách hàng trong quá trình yêu cầu bồi thường đó.

Từ nội dung khái quát về 02 loại bảo hiểm ở trên, có thể thấy rằng: Khi tai nạn giao thông xảy ra, Khách hàng có quyền lựa chọn yêu cầu bồi thường từ ai – từ tài xế xe hay từ doanh nghiệp bảo hiểm bán Bảo hiểm tai nạn.

Tất nhiên, việc lựa chọn đối tượng yêu cầu bồi thường phụ thuộc nhiều yếu tố khác và các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Nhưng nhìn chung, Khách hàng phải ý thức được những việc sau đây khi tai nạn xảy ra:

Thứ nhất, thông báo ngay lập tức hoặc ngay khi có thể cho đơn vị chủ quản ứng dụng gọi xe mà mình đã sử dụng về tai nạn và thực hiện theo các hướng dẫn từ họ. Các ứng dụng hiện nay đều có tổng đài điện thoại hỗ trợ 24/7, công bố trên ứng dụng và trang thông tin điện tử.

Thứ hai, lưu lại mọi chứng từ, hóa đơn và giấy tờ liên quan đến vụ tai nạn (như: hóa đơn cấp cứu, viện phí, biên bản tai nạn giao thông, tường trình sự việc với cơ quan chức năng) để lập hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra, Khách hàng cũng cần hiểu rằng, mình chỉ nên yêu cầu bồi thường từ một bên. Nếu đã nhận bồi thường từ tài xế mà còn yêu cầu bảo hiểm từ Bảo hiểm tai nạn, thì yêu cầu đó hoàn toàn có thể bị từ chối bảo hiểm trên cơ sở quy định tại Điều 33 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Trọng Nhân

Chia sẻ bài viết lên facebook 10,984

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079