Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Theo đó, hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục đề nghị xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc để làm cơ sở đề nghị cơ quan BHXH tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như sau:
Đối tượng áp dụng
Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là doanh nghiệp) có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.
Trình tự, thủ tục thực hiện
1. Thủ tục thực hiện
Thực hiện theo quy định tại Điều 28 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 và Quyết định 840/LĐTBXH-BHXH ngày 28/6/2016.
2. Thành phần hồ sơ
Doanh nghiệp lập hồ sơ (số lượng: 01 bản chính) gồm:
- Văn bản đề nghị của doanh nghiệp (Mẫu số 1);
- Danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị (Mẫu số 2);
- Danh sách lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc (Mẫu số 3).
* Lưu ý:
- Doanh nghiệp tải các Mẫu số 1, 2, 3 trên trang tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (http://sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn → Hướng dẫn thủ tục → Chính sách lao động, việc làm) để thực hiện.
- Ngoài hồ sơ (bản chính) trên, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp tài liệu để đối chiếu (bản sao), gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy tờ liên quan đến việc doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, kinh doanh bởi dịch Covid-19; bảng chấm công, danh sách trả lương tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm có công văn đề nghị; giấy tờ liên quan đến người lao động tạm thời nghỉ việc (thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc ...); thông báo kết quả đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) hàng tháng do cơ quan BHXH cấp (kỳ kết quả đóng của tháng gần nhất).
3. Nơi tiếp nhận
Doanh nghiệp làm văn bản đề nghị kèm theo danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị; danh sách lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc:
a) Gửi cơ quan Bộ, ngành Trung ương: đối với doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý để xác nhận.
b) Gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh để xác nhận đối với: công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quản lý; nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
c) Gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện (nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính) để xác nhận đối với những doanh nghiệp còn lại (trừ các doanh nghiệp thuộc điểm a, b nói trên).
4. Cách gửi hồ sơ
Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị doanh nghiệp ưu tiên gửi hồ sơ trực tuyến qua thư điện tử và chuyển phát thư tín,..., hạn chế liên hệ trực tiếp với Sở, ngành có liên quan. Trong trường hợp cần thiết phải liên hệ trực tiếp, đề nghị doanh nghiệp áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, ngừa an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
a) Đối với doanh nghiệp gửi hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Doanh nghiệp gửi bản scan (tập tin PDF) đối với văn bản đề nghị, tập tin Excel đối với danh sách người lao động và tài liệu có liên quan qua thư điện tử của Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (ldtlbhxh.sldtbxh@tphcm.gov.vn) để xem giải quyết trước. Sau đó, gửi hồ sơ bản chính để đối chiếu qua chuyển phát thư tín trước khi Sở phát hành văn bản trả lời cho doanh nghiệp.
b) Đối với doanh nghiệp gửi hồ sơ cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện:
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý thực hiện, ưu tiên sử dụng dịch vụ trực tuyến và qua chuyển phát thư tín cho đơn vị để tạo sự thuận tiện cho doanh nghiệp, đảm bảo các biện pháp phòng, ngừa dịch Covid-19.
5. Thời hạn giải quyết
Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận - huyện có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.
Xem chi tiết hướng dẫn và biểu mẫu kèm theo tại Công văn 9739/SLĐTBXH-LĐ ngày 01/4/2020.
Châu Thanh