Căn cứ ấn định thuế đối với doanh nghiệp

17/10/2020 10:13 AM

Doanh nghiệp nếu vi phạm pháp luật về thuế sẽ bị ấn định số thuế phải nộp. Theo đó, căn cứ dùng để ấn định thuế đối với doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể:

Ấn định thuế

Căn cứ ấn định thuế đối với doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ).

Căn cứ ấn định thuế đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế

- Cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại;

- So sánh số tiền thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương của cơ sở kinh doanh không có thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô của cơ sở kinh doanh thì so sánh với địa phương khác;

- Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực;

- Tỷ lệ thu thuế trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành, nghề theo quy định của pháp luật về thuế.

Doanh nghiệp bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định thuế dựa vào căn cứ sau

- Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế có căn cứ cho rằng doanh nghiệp khai chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp, đã yêu cầu khai bổ sung nhưng doanh nghiệp không khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan thuế;

- Qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, cơ quan thuế có cơ sở chứng minh doanh nghiệp hạch toán không chính xác, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

- Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế hoặc hạch toán giá mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế GTGT được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp;

- Doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế nhưng không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số tiền thuế phải nộp.

Ngoài các căn cứ nêu trên, doanh nghiệp bị ấn định thuế trong các trường hợp sau dựa vào các căn cứ gồm:

- Cơ quan hải quan căn cứ hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu; căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế; cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; hồ sơ khai báo hải quan; tài liệu và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để ấn định số tiền thuế phải nộp.

- Doanh nghiệp bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cơ quan thuế qua kiểm tra, thanh tra phát hiện sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ không đầy đủ, không hợp pháp hoặc kê khai, tính thuế không đúng thực tế trong trường hợp có quy mô về doanh thu tối đa bằng mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và không thuộc trường hợp bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định thuế nêu trên.

Căn cứ pháp lý: Khoản 2, 3, 4 Điều 50; Khoản 2 Điều 52 Luật Quản lý thuế 2019.

Thùy Liên

Chia sẻ bài viết lên facebook 22,807

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079