Tuổi bổ nhiệm cán bộ xác định theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo Kết luận 08-KL/TW ngày 15/6/2021, việc xác định điều kiện về tuổi để bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải bảo đảm nguyên tắc:
Cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm lần đầu vào vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc giới thiệu ứng cử phải đủ tuổi công tác trọn 1 nhiệm kỳ (5 năm) theo đúng Quy định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thống nhất lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP để làm căn cứ xác định điều kiện về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (thời gian công tác thực tế còn lại của cán bộ nếu đủ 5 năm trở lên thì đủ điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử).
Thời điểm thực hiện từ ngày 01/8/2021.
Không xem xét lại các trường hợp đã bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trước thời điểm trên.
Theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữcho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035. (Xem chi tiết tại đây)
Lưu ý: Điều kiện về tuổi nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV, nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Bộ Chính trị sẽ có quy định riêng.
Châu Thanh