Xe máy lắp gương gù vẫn có thể bị phạt (Ảnh minh họa)
Theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe máy không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.
Căn cứ quy định nêu trên, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt khi xe máy không có gương chiếu hậu hoặc có nhưng không có tác dụng.
Trong trường hợp người điều khiển xe máy lắp các loại gương gù, gương thời trang trên xe nếu vẫn có tác dụng đảm bảo tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện sẽ không bị phạt.
Tuy nhiên, việc gắn gương gù, gương thời trang lên xe máy, nếu làm thay đổi kết cấu của xe có thể sẽ bị xử phạt theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), cụ thể:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 - 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;
- Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Căn cứ Quy chuẩn Việt Nam QCVN 14:2015/BGTVT, gương chiếu hậu đúng quy định dành cho xe mô tô, xe gắn máy phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Xe gắn máy phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu bên trái của người lái; xe mô tô phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái
- Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn; Người lái có thể điều chỉnh dễ dàng tại vị trí lái và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50m về phía bên phải và bên trái;
- Nếu là gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm;
- Nếu là gương không tròn, kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78mm, nhưng phải được nằm trong một hình chữ nhật có kích thước 120mm x 200mm.
Như Mai