Hiểu rõ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (Ảnh minh họa)
- Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại;
- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng;
Cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn;
Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại;
Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;
- Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi; đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển.
Quy định về việc sử dụng âm hiệu còi trong điều khiển giao thông của cảnh sát điều khiển giao thông như sau:
- Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại;
- Một tiếng còi ngắn là cho phép đi;
- Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn là cho phép rẽ trái;
- Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh là ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại;
- Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh là báo hiệu đi nhanh lên;
- Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.
(Khoản 2 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, Điều 7 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT)