Đào ngũ là gì? Đào ngũ trong thời bình bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)
Theo khoản 1 Điều 402 Bộ luật Hình sự, đào ngũ được xem là hành vi người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện nay trong thời bình, cụm từ “đào ngũ” cũng được sử dụng để chỉ những đối tượng rời bỏ đơn vị hoặc không trở lại đơn vị quân đội mà mình đang được phân công đào tạo, rèn luyện với mục đích trốn tránh nghĩa vụ.
Tội đào ngũ được quy định tại Điều 402 Bộ luật hình sự. Theo đó, người có hành vi đào ngũ trong thời chiến sẽ bị xử lý với các khung hình phạt như sau:
- Khung 1: Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Khung 2: Người có hành vi đào ngũ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
+ Lôi kéo người khác phạm tội;
+ Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;
+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Khung 3: Người có hành vi đào ngũ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
+ Trong chiến đấu;
+ Trong khu vực có chiến sự;
+ Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
+ Trong tình trạng khẩn cấp;
+ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, hành vi đào ngũ chỉ bị truy cứu TNHS trong thời chiến. Tuy nhiên, đối với các hành vi rời bỏ đơn vị hoặc không trở lại đơn vị quân đội mà mình đang được phân công đào tạo, rèn luyện nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời bình cũng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 8 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
- Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho UBND cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện;
- Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự đối với hành vi đào ngũ khi đang phục vụ nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Điều 7 Thông tư 95/2014/TT-BQP quy định 03 hành vi được xem là chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ, bao gồm:
- Để quân nhân đào ngũ ở nhà mình hoặc ở cơ quan, tổ chức mà không khai báo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
- Đưa quân nhân đào ngũ đi trốn hoặc cung cấp phương tiện, vật chất để quân nhân đào ngũ lẩn trốn.
- Làm các giấy tờ để hợp thức cho hành vi đào ngũ.
Như Mai