03 hình thức sao văn bản hành chính

30/07/2022 15:49 PM

Văn bản hành chính là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức. Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định có 03 hình thức sao văn bản hành chính.

03 hình thức sao văn bản hành chính

03 hình thức sao văn bản hành chính

1. Các loại văn bản hành chính

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.

2. 03 hình thức sao văn bản hành chính

03 hình thức sao văn bản hành chính được quy định tại Điều 25 Nghị định 30/2020/NĐ-CP bao gồm:

(1) Sao y

- “Bản sao y” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

- Sao y gồm:

+ Sao y từ văn bản giấy sang văn bản giấy được thực hiện bằng việc chụp từ bản gốc hoặc bản chính văn bản giấy sang giấy.

+ Sao y từ văn bản điện tử sang văn bản giấy được thực hiện bằng việc in từ bản gốc văn bản điện tử ra giấy.

+ Sao y từ văn bản giấy sang văn bản điện tử được thực hiện bằng việc số hóa văn bản giấy và ký số của cơ quan, tổ chức.

(2) Sao lục

- “Bản sao lục” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản sao y, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

- Sao lục gồm:

+ Sao lục từ văn bản giấy sang văn bản giấy;

+ Sao lục từ văn bản giấy sang văn bản điện tử;

+ Sao lục từ văn bản điện tử sang văn bản giấy.

- Sao lục được thực hiện bằng việc in, chụp từ bản sao y.

(3) Trích sao

- “Bản trích sao” là bản sao chính xác phần nội dung của bản gốc hoặc phần nội dung của bản chính văn bản cần trích sao, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

- Trích sao gồm:

+ Trích sao từ văn bản giấy sang văn bản giấy;

+ Trích sao từ văn bản giấy sang văn bản điện tử;

+ Trích sao từ văn bản điện tử sang văn bản điện tử;

+ Trích sao từ văn bản điện tử sang văn bản giấy.

- Bản trích sao được thực hiện bằng việc tạo lập lại đầy đủ thể thức, phần nội dung văn bản cần trích sao.

Xem thêm: Thể thức và kỹ thuật trình bày bản sao văn bản hành chính theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP

3. Giá trị pháp lý của bản sao văn bản hành chính

Bản sao y, bản sao lục và bản trích sao được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP có giá trị pháp lý như bản chính.

4. Thẩm quyền sao văn bản hành chính

Thẩm quyền sao văn bản hành chính được quy định tại Điều 27 Nghị định 30/2020/NĐ-CP như sau:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định việc sao văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành, văn bản do các cơ quan, tổ chức khác gửi đến và quy định thẩm quyền ký các bản sao văn bản.

- Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Diễm My

Chia sẻ bài viết lên facebook 22,937

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079