Kiểm sát viên là ai? 07 điều cần biết về Kiểm sát viên

22/08/2022 12:21 PM

Kiểm sát viên là một trong những nghề nghiệp được nhiều bạn sinh viên ngành Luật hướng tới. Vậy các quy định liên quan đến Kiểm sát viên như thế nào? - Nhật Tâm (TP.HCM)

Kiểm sát viên là ai? 07 điều cần biết về Kiểm sát viên

Kiểm sát viên là ai? 07 điều cần biết về Kiểm sát viên

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Kiểm sát viên là ai?

Theo Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trong đó, việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định như sau:

- Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

- Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự

Ngoài ra còn kiểm sát trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

(Theo khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Về thời hạn bổ nhiệm, Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm. (Theo Điều 82 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

2. Tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên

Tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên được quy định tại Điều 75 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:

- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.

- Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Các ngạch của Kiểm sát viên

Theo khoản 1 Điều 76 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, các ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

- Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm sát viên cao cấp;

- Kiểm sát viên trung cấp;

- Kiểm sát viên sơ cấp.

Cụ thể ở các cấp Viện kiểm sát, việc bố trí các ngạch của Kiểm sát viên được quy định như sau: 

- Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được bố trí bốn ngạch Kiểm sát viên

- Ở Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và có thể được bố trí các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp

- Các Viện kiểm sát khác có thể được bố trí các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.

(Theo khoản 2 Điều 76 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

4. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên

Cụ thể tại Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên như sau:

- Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Ngoài ra, Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp do luật định.

- Trong vụ việc có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.

- Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên có quyền ra quyết định, kết luận, yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

5. Miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên

5.1. Miễn nhiệm Kiểm sát viên

Các trường hợp miễn nhiệm Kiểm sát viên được quy định tại Điều 88 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:

- Kiểm sát viên đương nhiên được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành.

- Kiểm sát viên có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

5.2. Cách chức Kiểm sát viên

Theo Điều 89 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, các trường hợp cách chức Kiểm sát viên như sau:

- Kiểm sát viên đương nhiên bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Kiểm sát viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Vi phạm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

+ Vi phạm quy định tại Điều 84 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014;

+ Vi phạm về phẩm chất đạo đức;

+ Có hành vi vi phạm pháp luật khác.

6. Sự khác nhau giữa Kiểm sát viên và Kiểm tra viên

Tiêu chí

Kiểm sát viên

Kiểm tra viên

Khái niệm

Là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. (Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. (Khoản 1 Điều 90 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Ngạch

- Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm sát viên cao cấp;

- Kiểm sát viên trung cấp;

- Kiểm sát viên sơ cấp.

(Khoản 1 Điều 76 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

- Kiểm tra viên;

- Kiểm tra viên chính;

- Kiểm tra viên cao cấp.

(Khoản 2 Điều 90  Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Tiêu chuẩn bổ nhiệm

Tiêu chuẩn bổ nhiệm theo từng cấp: Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Từ Điều 77 đến Điều 80 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. (Khoản 3 Điều 90 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014

Nhiệm vụ, quyền hạn

Thực hiện các công việc liên quan đến thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. (Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

Thực hiện các công việc trợ giúp Kiểm sát viên hoặc theo sự phân công của Viện trưởng. (Khoản 4 Điều 90 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014)

7. Tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân

Cụ thể tại Điều 93 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định về tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân như sau:

- Số lượng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người.

- Tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên tại mỗi cấp Viện kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi có ý kiến của Chính phủ.

Căn cứ tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định biên chế, số lượng Kiểm sát viên, công chức khác, viên chức và người lao động khác của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

- Tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên của mỗi cấp Viện kiểm sát quân sự của Viện kiểm sát quân sự trung ương do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Căn cứ số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch Kiểm sát viên của Viện kiểm sát quân sự đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát quân sự mỗi cấp sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

>>> Xem thêm: Dự kiến thời gian tổ chức thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp vào tháng 10/2022 và chia thành 2 đợt?

Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân làm những việc gì? Những việc Kiểm sát viên không được làm trong ngành Kiểm sát?

Tiêu chuẩn chung để trở thành Kiểm sát viên? Không trúng tuyển vào kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên sơ cấp thì có thể trở thành Kiểm sát viên sơ cấp không?

Chia sẻ bài viết lên facebook 39,567

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079